Tin tức sinh hoạt của cựu thầy cô và học sinh trường Nguyễn Hoàng-Quảng Trị tại Đà Nẵng và Miền Trung
Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020
Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020
NHỚ THẦY PHAN PHỤNG THẠCH (PPT) - Hồ Sĩ Khang
NHỚ THẦY PHAN PHỤNG THẠCH (PPT)
Hồ Sĩ Khang
Cả buổi sáng, ngồi đọc lại tập “Phan Phụng Thạch- Di cảo
& Ký ức” mà hôm về Quảng Trị anh tôi đã tặng.
Và rồi tôi cứ bần thần suy nghĩ về người thầy vắn số, tài
hoa.
Tôi không viết, vì trong tôi những ký ức đã trôi qua gần nửa
thế kỷ không gợi lại, sợ rằng đã quên. Với lại trong “Văn đàn thi ca Nguyễn
Hoàng”, những bài viết về thầy quá nhiều, phủ kín các tập san Nguyễn Hoàng và
quê hương Quảng Trị. Thơ của thầy luôn và mãi mãi nằm lại trong tâm hồn của bao
thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng .
Người thầy, chàng trai cô đơn ấy khi mất, chỉ mới vừa qua lứa
tuổi ba mươi.
Đám tang của thầy chắc có nhiều người phụ nữ khóc, nước mắt của
họ kín đáo, tôi không thể biết người nào là “nhân vật chính” có mặt trong cuộc
đời thầy.
Thế rồi, tôi cũng thấy một điểm “là lạ” trong thơ tình của
người thầy bạc mệnh ấy: NHỮNG CÁI TÊN VIẾT
TẮT.
***
Cứ tưởng rằng thầy chỉ dạy môn Sử Địa như bằng cấp học ở trường
Đại học, nhưng tình cờ tôi biết thầy đã từng dạy toán năm đệ lục cho lớp các
anh Phạm Đình Quát, Hồ Sĩ Bình (NH 64-71). Toán học luôn hàm chứa nhiều ẩn số.
Người làm toán phải đi tìm ẩn số, còn người dạy toán thì giao ẩn số cho học trò
tìm. Trong những bài thơ tình của thầy, tôi đã phát hiện rất nhiều “ẩn số”.
Thật vậy, đọc thơ của thầy, điều thú vị là nhìn những chữ viết
tắt ở đầu của bài thơ. Trái tim “người thầy dạy toán làm thơ” ấy thật lãng mạn.
Thử xem những “ẩn số X” mà thầy tôi đã giấu kín trong thơ như thế nào?
*Ẩn số TH được đặt tên
cho một bài thơ
Người tình này như một nàng tiên trong truyện cổ tích, có lẽ
là một người tình chỉ có trong trí tưởng tượng của thầy, bài thơ chỉ có 4 câu
ngắn ngủi, như kể lại một giấc mơ thóang qua và biến mất.
Em nằm ngủ trong hồn ta từ đó.
Tóc u hoài và mắt lệ sầu thương
Răng tuyết ngọc và môi hồng hé nở
Như nàng tiên trong cổ tích hoang đường.
Rồi tôi lại đi tìm những tên viết tắt tiếp theo:
* Ẩn số NTHN
Đây có lẽ là một người con gái đã đi xa. Và để lại trong tâm
hồn PPT những cảm xúc khó tả, tình yêu mất lạc biến thành sự chờ đợi đã hóa đá
tâm hồn. Đọc bài “Thơ tình mùa thu”
này, ta lại liên tưởng một thắng cảnh ở Đồng Đăng, chỉ khác là không chỉ xác
thân mà tâm hồn cũng hóa đá vì sự mõi mòn mong đợi.
……
Thôi đã hết ta chỉ còn ảo tưởng
Gọi em về ngồi khóc giữa di ngôn
Ta bây giờ hóa thân thành dáng tượng
Và buồn thương cũng hóa đá tâm hồn.
* Và tôi cũng bật cười vì có những “bài toán thơ”, ẩn số thầy
cho “rất dễ”. Chẳng hạn như bài: “Lạnh
tuổi vàng”, ẩn số là “tặng P.T.X.V”.
Nếu không đọc bài thơ, chúng ta sẽ loay hoay suy nghĩ P.T.X.V là ai? Nhưng thầy
tôi lại cho “đáp số” ở câu thứ tư:
…..
Với thành phố cũ cô đơn ấy
Em có u hòai không hở Vân?
Một “nghiệm số tường minh” mà thầy cố tình để “lộ”. Người học
trò tôi không phải mất công tìm kiếm.
Vâng chị Vân, được thầy viết tặng bài này năm 1964. Tôi đoán bây
giờ chị hơn 70 tuổi rồi. Bây giờ, chị có đọc lại bài thơ này như nhớ một kỷ niệm
thật đẹp ngày xưa?
*Ẩn số: H.T.X.B
Trong bài:”Thơ cho người
Phúc – Lộc”, có một ẩn số H.T.X.B.
Đây là một bài thơ tình dễ thương nhất. PPT đã nhớ người con
gái vùng quê Phúc- Lộc (Triệu Thuận), địa danh và con người đã gieo vào trong hồn
chàng thi sĩ ấy những nỗi nhớ mê si.
……..
Thương em áo lụa chiều hoe nắng
thương cả con đường em bước đi.
Và một lần nữa, ẩn số H.T.X.B đã hiện ra như một “bật mí” của
PPT. Nếu chúng ta chịu khó đọc tiếp bài “Khi về Quảng trị”, ta sẽ được thầy nhắc
“đáp án” trong lần về xứ đạo Đại Lộc thuộc xã Triệu Thuận. Đại Lộc là một giáo
xứ thuộc Phúc Lộc. Đặc biệt ở Phúc Lộc , dòng họ Hoàng rất nổi tiếng, được xem
là dòng họ khai sáng, xây dựng ngôi làng đầu tiên.
Đây là hai câu thơ “đáp số” trong bài “Khi về Quảng Trị”
…….
Ơi Đại Lộc mỗi lần ta qua đó,
Để muôn đời còn nhớ mãi Xuân Ba.
Người con gái mà PPT viết tắt trong bài: Thơ cho người Phúc
–Lộc, là chị Xuân Ba.
*Ẩn số CT.T.N.TQ trong
bài thơ: Tiễn người về Huế
Không hiểu sao, khi đọc bài này tôi ngờ ngợ, tôi đọc đi đọc lại.
Vì đây là một bài thơ tỏ tình rõ nét nhất của thầy, cho dù đó là một mối tình
đơn phương câm nín. Người con gái trong thơ, rất gần gũi với hoàng cung miếu cổ.
Chị ấy trở về Huế không phải thăm lại nơi này mà chỉ để học tiếp thôi. Với cái
tên viết tắt dài ngoẵng, người đọc rất khó đoán nếu không để ý tinh tế giả thiết
“ngai vàng, đại nội”.
Trong bài thơ, hiện ra một tình yêu thầm lặng. Có phải vì sự
gần gũi chốn hoàng cung đã làm cho thầy tôi rụt rè, nhút nhát khi tỏ tình với một
cô gái trâm anh, dù khi đó chàng trai họ Phan 27 tuổi rồi.
Hai câu cuối của bài thơ đã nói lên tất cả :
……….
Ta mãi mãi vẫn một đời câm nín,
Nhưng yêu em tha thiết tự bao giờ!
Sau này tôi đoán, chắc thầy chưa bao giờ nói chuyện với chị
TQ, vì nếu đã từng, thầy sẽ không nhầm khi viết “Họ” của chị.
Có phải vậy không? hay có một người con gái khác tên là
CT.T.N TQ nữa!
***
Tôi không có ý định giải mã những từ viết tắt trong thơ tình
của thầy. Đối với toán học, viết tắt cũng được xem là một phương pháp mã hóa dữ
liệu đơn giản. Mục đích của việc đó nhằm:
1. Bảo vệ và giữ bí mật những dữ liệu mà người viết muốn dấu
kín.
2. Tối ưu hóa việc lưu trữ an toàn và truy xuất dữ liệu nhanh
chóng khi cần.
Nhưng tôi đoán, những ký tự được viết tắt, thầy Thạch chỉ sử
dụng cho mục đích số 1.
Thầy tôi, người có những mối tình đơn phương đau khổ, suốt một
đời lặng lẽ trồng cây si. Các mối tình của thầy chỉ thấy trong trang sách. Đối
mặt tỏ tình, với thầy luôn là một “phương trình vô nghiệm”. Vì vậy, những cái
tên viết tắt có thể là cách tỏ tình chân chất nhất của thầy. Nhiều khi trong những
chữ viết tắt đó, ngôn ngữ tình yêu còn chan chứa đầy tràn hơn cả mọi câu văn kiều
diễm.
Một ngày trọn vẹn, tôi dùng toàn bộ thời gian để đọc lại những
bài thơ tình và suy gẫm về những cái tên viết tắt. Hơn năm mươi năm trôi qua,
tình yêu của thầy ngày đó được vinh danh trong thơ rất thánh thiện, trinh trắng.
Trái tim của chàng trai họ Phan luôn thổn thức trước những mối tình dẫu biết rằng
có thể ngày mai tất cả đều vô vọng và nghiệt ngã.
Liệu ngày đó, thầy có biết ngày mình từ giã cõi đời ? Tôi cứ
bị ám ảnh ray rứt rất nhiều về bài thơ: “Chúc
thư cho người tình.”
Điều còn lại cuối cùng trong cuộc tình ấy chỉ là nỗi buồn và
nước mắt.
…….
Cũng từ đó hồn ta xanh cỏ mọc
Và mù sương trong trí nhớ bốc cao
em có về với buồn rưng mắt khóc
Nếu một ngày ta chết giữa mòn hao?
Em có về vuốt dùm ta đôi mắt
( hỡi bàn tay yêu dấu thuở hiền ngoan
)
Em sẽ thấy còn nguyên trên khuôn mặt
Những ưu phiền và giọt lệ chưa tan.
***
Chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm Kỷ Hợi , tôi vừa thấy nhiều đồng
môn Nguyễn Hoàng Quảng Trị ghé thắp hương cho các thầy Nguyễn Hoàng đã mất.
Nhìn di ảnh thầy Thạch, rồi đọc lại những bài thơ tình mà bây
giờ chỉ còn là nỗi nhớ đôi bờ sinh tử, biền biệt cách xa.
Là học trò hậu sinh và cũng là một người đàn ông đã va vấp
trong những cuộc tình. Tôi rất thích nghe lời bộc bạch của thầy trong “Bài thơ
làm khi say rượu” :
……….
Ta cũng có những người yêu bội bạc
mà có bao giờ ta nói ra!
Tôi nhận ra sự đau đớn, buồn bã, và cả tấm lòng vị tha trong
câu nói đó.
Người say chỉ nói lên sự thật.
***
Sẽ không bao giờ tôi nhắc những cái tên viết tắt trong thơ thầy
nữa. Trừ hai cái tên: Vân và Xuân Ba mà thầy đã “giải mã”.
Những cái tên viết tắt trong thơ tình Phan Phụng Thạch, chỉ
có thầy mới biết: họ là ai!
Cho đến tận bây giờ, chưa ai nghe thấy thầy nói ra…
Tôi sợ khi viết bài này sẽ làm “ai đó” không vui. Nhưng rồi,
tự nhủ: Thầy đã từ giã cõi đời gần nữa thế kỷ, những bài thơ tình xuất hiện còn
lâu hơn. Thời gian đã xóa tan những “giận hờn, buồn bã vu vơ” của người đang sống.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Ngày ấy Thầy chỉ “dựa” một chút bóng hình “nàng Thơ”
để thai nghén và cho ra đời những giai điệu tình yêu du dương lãng mạn mà thôi.
Cái tên viết tắt đó, ngày hôm nay không còn là người yêu mà
đã trở thành tình yêu của thầy rồi. Sẽ muôn đời còn mãi cùng trang thơ tình
Phan Phụng Thạch.
***
Kính hương hồn Thầy!
Hôm nay, em vô tình ném một viên sỏi xuống mặt hồ phẳng lặng
. Em đã tạo ra những gợn sóng lăn tăn trong tâm hồn bao người: sẽ có người ngại
ngùng, sẽ có người bâng khuâng và sẽ còn nhiều cảm xúc khác khi nhớ lại câu
chuyện này.
Người già thích hoài niệm. Em chỉ mong họ tìm được chút nắng ấm
trong tim .
Xin bao dung cho em: người học trò lỡ chạm vào góc khuất mà
thầy cất kỹ từ lâu.
Nha trang, những ngày tháng chạp xôn xao.
Hồ Sĩ Khang
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)