LỄ ĐỘNG THỔ NHÀ THỜ HÙNG VƯƠNG THÁNH TỔ
TRÊN ĐẤT QUẢNG TRỊ
Võ Văn Cẩm
07/4/2025
Trở về quê lần này lâu hơn. Gần 2 tháng. Cũng cafe loanh quanh với bạn bè, với những người thân thương, với người anh cả tuổi đời mấp mé 90.
Tại căn nhà tuy nhỏ (gọi là nhà khách) nhưng tạm đầy đủ tiện nghi nơi mảnh đất thân thương quê tôi. Nơi một đời cha mẹ tôi sinh sống và sinh thành anh chị em chúng tôi.
Nơi mà người anh cả tôi ước nguyện trở về, vì tuổi thơ anh không có mặt nơi đó.
Một điều diệu kỳ là anh em chúng tôi tự túc, tự nấu nướng lo bữa ăn cho chính mình dù vợ chồng đứa em trai út có thể giúp đỡ.
Chúng tôi muốn tìm lại những giây phút cơ hàn mà anh em chúng tôi đã sống?.
2 anh em mỗi ngày chỉ một loong rưỡi gạo, đến bữa chỉ một nắm rau lang trong vườn với 3 con tôm giã nhỏ hay vài cọng rau mồng tơi, một miếng mít non, mười con cá cơm, với một nắm rau me hay vài trái cà chua, trái mướp.
Ngồi nơi bàn nấu ăn, chỉ song canh, nồi cơm điện. Không cần đĩa bát. Ăn xong tự rửa chén đũa.
Anh tôi thi siêng nấu nướng, tôi thì lười. Anh tôi ăn rất mặn, tôi ăn nhạt. Tôi khoái cơm cháy, anh tôi răng yếu.
Thế mà bữa ăn nào cũng ngon miệng?. Cũng sạch nồi canh hết nồi cơm. Đơn giản thế mà có người hỏi tôi, tôi không trả lời được tại sao?.
Có lẽ cái không gian ấm cúng này, nơi chúng tôi cần có để tìm lại những ngày cơ hàn của tôi ở trong Nam hay của anh tôi ngoài Bắc. Nơi đây, một không gian ấm cúng đề chúng tôi chiêm nghiệm cuộc đời vô cùng thú vị.
Mỗi năm anh em tôi có 1tháng nơi quê nhà hẩm hút bên nhau. Năm nay dài hơn, một điều khó hiểu là vợ con chúng tôi vui vẻ an lòng. Không có một thái độ nào?.
Những bữa cơm đơn sơ sao mà ngon lạ.
Ngon hơn những bữa ăn thịnh soạn mà vợ con dọn lên bàn mỗi ngày?.
Anh em hẩm hút trao nhau những niềm vui hạnh phúc, khi tuổi đời đã gần 90. Một cuộc trùng phùng quý giá.
Anh giường bên này em giường bên kia, nằm kể cho nhau nghe những tháng ngày thơ dại, những nỗi nhọc nhằn nghèo khó, những bi ai thời cuộc, những khó khăn khi cắp sách đền trưởng.
Cái xót xa và luyến ái mà năm 12 tuổi (1954) anh phải rời quê, rời cha mẹ anh em. Bỏ lại sau lưng những nhớ thương lạ kỳ. Nuốt vào trong những xót xa quặn đau để tiến bước.
Tuổi 12 mà đi chăn trâu, cắt cỏ cho người để kiếm miếng cơm đi học?.
Rồi cuộc đời không thể buông trôi, sự suy nghĩ, nhận thức cuộc đời đã đến với anh sớm hơn?.
Anh nghĩ tới tương lai khi không còn điểm bám víu người thân?.
Anh tìm lại niềm vui và hạnh phúc trong những thành quả của việc học. Vốn kiến thức căn bản ấy là hành trang vào đời.
Một ngày nọ anh được đi xa hơn, học một trường lớn hơn, nhiều bạn bè hơn.
Anh trưởng thành trong gian khó chịu đựng, trách nhiệm của một giảng viên trước hàng trăm sinh viên xa nhà như anh đã vượt qua.
Nhiều năm suy nghiệm anh hiểu được tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái trong ngôi nhà nhỏ của riêng mình mà vợ chồng anh tạo dựng.
Năm 1972, quê tôi năm trong vùng Giải Phóng. Anh tôi trở về quê nhà chỉ nhìn toàn hố bom xác đạn, không có một người thân (cha mẹ, chị em di tản vào Nam). Anh lủi thủi trở ra Bắc. Hình ảnh xót xa ấy theo suốt đời anh mãi cho đến ngày đoàn viên 1976.
Với bộn bề công việc, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm làm cha làm mẹ đã đè nặng lên vai anh em chúng tôi nhiều năm nhiều tháng nghèo khó.
Rồi một ngày, khi hoàn thành trách nhiệm làm cha của đời người, con cái anh em chúng tôi thành nhân và thành danh. Chúng tôi có quyền an phận tuổi già?.
Những năm gần đây, anh tôi về quê nhiều ngày và dày hơn. Tôi cũng thế.
Lần về này Tôi có hẹn với thầy Thích Tâm Hiệp tôi sẽ ghé thăm thầy.
Thầy Tâm Hiệp xuất thân trong một gia đình có căn duyên tu hoc. Ba thầy xuất gia trể mãi tuổi 50.
Thầy mới 6 tuổi đã vào chùa, nay là Thuợng tọa Trụ trì một chùa lớn ở miền Bắc.
Với kiến thức uyên thâm của một bậc tu sĩ nhất là Hán học. Thầy tham gia trong nhóm "Nghiên cứu Di sản Văn hóa Đền Miếu Việt".
Xem nhiều clip tôi mến mộ tài năng trí tuệ của thầy. Nhất là chương trình nghiên cứu hệ phả họ tộc Việt Nam. Thầy là thành viên trong chương trình nghiên cứu tìm kiếm sử liệu Phật giáo của GS Lê mạnh Thát Thiền Sư Hòa Thượng Thích trí Siêu.
Tôi muốn gặp thầy hỏi về ngài Thần tổ Vũ Võ Việt Nam trong chương trình thầy đang nghiên cứu?.
Trước đây Nhiều GS, nhà nghiên cứu họ tộc đã có nhiều tư liệu công nhận ngài KLS VŨ HỒN là Thần tổ Vũ Võ chúng tôi.
Đã xây dựng nhà thờ ở Hải Dương và ở Long Thành Đồng Nai. Nhiều năm và nhiều bà con dòng tộc bái lạy cúng viếng, mở mang xây dựng phát triển.
Nhiều tỉnh và địa phương đã thành lập Hội đoàn dòng họ Vũ Võ khắp cả nước. Chúng tôi tham gia lâu ngày.
Gần đây có một số nhà giáo, nhà sử học, nhà nghiên cứu về phả hệ họ tộc Việt Nam đã tìm thấy sử liệu, tìm ra tông tích của một ngài Thủy tổ họ Vũ Võ trước ngài Vũ Hồn nhiều trăm năm.
Có nhiều thành viên quá khích phê phán, phỉ báng không công nhận ngài Vũ Hồn, thậm chí gây hiềm khích chia rẽ trầm trọng.
Là người mến mộ, không hiểu sâu về khoa học lịch sử nhưng tôi phản đối cách hành xử thiếu văn hóa ấy.
Tôi có nhiều bài viết đề nghị các nhà khoa học lịch sử Họ tộc nên kết hợp, phân tích tìm kiếm chứng cứ. Không nên làm suy giảm tình dòng tộc khi chưa có đầy đủ sử liệu?.
Khi có đầy đủ cơ sở, Hội sử học Việt Nam có buổi hội thảo khoa học với nhiều nhà khoa học, nhiều bài tham luận.
Có Bản kết luận của Hội sử học Việt Nam.
Hội đồng dòng họ tìm phương án chỉnh sửa hoàn chỉnh rồi thông báo cho bà con. Tránh tình trạng gây sứt mẻ, làm giảm niềm tin, mất đoàn kết họ tộc, làm tổn thương đến các bậc tiền nhan.
Một cơ hội tốt khi được thầy mời dự lễ đặt đá xây dựng "NHÀ THỜ MẪU. THỜ HÙNG VƯƠNG THÁNH TỔ" tại làng Thi Ông xã Hải Vĩnh, Hải Lăng Quảng Trị và lễ ra mắt sách SỰ TÍCH LONG QUÂN VÀ CÁC VỊ THỦY THẦN LẠC THỊ". Do nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt mà thầy biên soạn.
Tôi được thầy cho phép mời một số thân hữu nhà giáo mà tôi quen biết.
Tôi mời thầy HMLong, thầy NV Quang, thầy cô HMãi, anh chị Phạm quang Thạnh, thầy Lê Văn Ân và thầy NĐHạnh ở Đông Hà.
Đoàn chúng tôi đến trể, sau TS LMThát, nhiều quan khách ở xa.
Nơi tổ chức đơn giản nhưng nội dung sâu sắc.
Lễ xong, thầy ký tặng sách.
Khi thầy ký tặng sách cho khách HMLong. Thầy rất ngạc nhiên đứng dậy cung kính nói:
Đây là "Thầy hiệu trưởng thời tôi đi học". Rất mừng được gặp lại thầy. Chúc sức khỏe thầy. Sau đó tôi tôi giới thiệu các thầy cũng là thầy của thầy.
Một cuộc hội ngộ vô cúng lý thú mà đạo Phật gọi là duyên.
Thầy mời chúng tôi vào dự lễ cúng động thổ và dùng bữa cơm chay thâm tình hiếm có.
Thân phụ của Thầy tuổi đã 87 vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và sắc sảo kể chuyện ngày xưa, chuyện nay. Ông là Thuợng tọa chủ trì xây dựng ngôi đền này.
Trong bữa ăn, thầy tiếp chúng tôi với nhiều câu chuyện hấp dẫn và cuộc đời của một Tu Sĩ, về ngài Thần tổ Họ Vũ Võ mà thầy là Hậu sinh của ngài.
Thầy nói trong tay thầy đã có những chứng cứ lịch sử, những tư liệu, những gia phả của họ tộc Vũ Võ. Chắc chắn khi hữu duyên sẽ phát khởi. Chỉ còn lại là thời gian thôi.
Khi sự việc hoàn mãn chia tay, Thầy cám ơn quý khách và hy vọng sẽ được đón tiếp chúng tôi năm tới (2026), trong lễ khánh thành nhà thờ Ngài Hùng Vương nơi đất thiêng Quảng Trị này.
7/4/2025.