Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

VIẾT VỀ THẦY TÔN THẤT CẨM ĐĂNG - Nguyen Thi Thu Suong

  


Thầy Tôn Thất Cẩm Đăng

Dạy Nguyễn Hoàng từ 1973 đến 1975

Môn: Sử, Địa

Địa chỉ gia đình: 68/742 Lê Đức Thọ,

P.17, Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh

 

Trưa này lúc 13 giờ ngày 5/7/2021 thầy trở về cát bụi. Vĩnh biệt thầy Tôn Thất Cẩm Đăng, người thầy luôn có nụ cười hiền hậu, tận tâm và thương mến học trò . Cầu nguyện cho hương hồn thầy sớm về cõi Phật. Học trò luôn thương tiếc thầy. 

Tôi đăng lại bài viết về thầy đã viết nhiều năm về trước. 

NT Thu Sương


VIẾT VỀ THẦY TÔN THẤT CẨM ĐĂNG 

Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị khai giảng niên khóa 1973-1974 tại trại 5 Non Nước Đà Nẵng khá tưng bừng. Năm ấy có nhiều thầy cô trẻ mới ra trường, học trò trong trường nhốn nháo hẳn lên. Các anh lớp 11 và 12 bàn tán sôi nổi có cô giáo dạy Anh văn người Huế mới về rất đẹp. Có rất nhiều anh đến bây giờ vẫn mang hình ảnh cô giáo xinh xắn ngày xưa vào lòng. Còn các chị kín đáo hơn xì xào về ông thầy đẹp trai hào hoa phong nhã người Huế mới ra trường. Hai thầy cô trẻ đẹp đó đã chiếm trọn tình cảm của các anh và các chị trường Nguyễn Hoàng ngày ấy.

 

Hồi đó, lớp 9 được thầy Tôn Thất Cẩm Đăng dạy môn Sử Địa. Cả lớp xì xào và mỉm cười khi thầy vào lớp dạy: Ông thầy hào hoa phong nhã dạy lớp mình!. Tôi vẫn nhớ buổi học đầu tiên, thầy vẫn còn lúng túng và chúng tôi không phải là các chị lớp 11 và 12 nên không có dám thái độ nghịch ngợm hay chọc thầy gì cả, vẫn im lặng chăm chú nghe thầy giảng bài (biết đâu đang ngắm thầy cũng có!) tiết học đầu tiên trôi qua nhẹ nhàng. (Chắc thầy cũng thở phào nhẹ nhõm, học trò khá ngoan!).

 

Khi thầy trò đã quen dần nhau, lớp học sinh động hẳn lên, tôi và các bạn hăng hái xung phong trả lời bài học, phát biểu trong lớp. Tuy thế, tôi vẫn nhận thấy thầy trò vẫn còn có gì đó dè dặt, chưa thật tự nhiên. Tôi không hiểu tại sao, nhưng suy ngẫm có lẽ vì thầy còn trẻ, mà lại quá đẹp trai.

 

Hồi ấy trong lớp có một cô bạn gái xinh đẹp, dáng cao và ra vẻ một thiếu nữ, trong lúc các bạn học khác còn nhỏ nhắn vô tư. Khi đến giờ thầy dạy, mắt bạn ấy sao có vẻ long lanh, đẹp hơn mọi ngày, vì ngồi gần tôi nhìn kỹ vào mắt bạn và nói rằng:

- Hôm nay mi có kẻ mắt phải không?

Bạn ấy lắc đầu chối:

- Đâu có, làm gì có, mắt tau như rứa mà!.

- Không phải, tau thấy mắt mi hôm nay khác mọi ngày!

 

Tôi để ý nhiều ngày như thế và đoán ra rằng cô bạn này chắc có vẻ thích thầy Cẩm Đăng rồi đây, tuy nhiên chỉ dám thể hiện tình cảm như thế mà thôi. Sau này hơn 35 năm gặp lại, tôi nhắc lại chuyện ngày xưa, cô bạn thú nhận rằng:

- Ngày ấy, đúng tau có kẻ mắt đi học và chỉ kẻ mắt những ngày thầy Đăng dạy mà thôi. Tôi phá lên cười:

- Thấy chưa!, tau nói đúng mà, vậy mà mi cãi tau.

- Tau sợ mi biết nên giấu biến đi.

 

Chuyện này chắc ngày xưa thầy Cẩm Đăng không biết và không để ý các cô học sinh nhỏ, vì thầy còn lo đối phó với các chị lớn hơn đang ra sức đeo đuổi thầy!.

 

Lớp 9/1 của tôi hiền, chỉ có cô bạn thổ lộ tình cảm bằng cử chỉ nhẹ nhàng kín đáo như thế thôi, còn lớp 9/2 ghê gớm và nghịch ngợm gấp nhiều lần.

 

Mỗi lần thầy dạy xong ra khỏi lớp, các bạn ấy đi theo sau và hát rằng: “Em tan trường về, em theo thầy về”, thầy quay lại, các bạn ấy im bặt và mặt tỉnh bơ như không có chuyện gì!, đúng là đám học trò quỷ sứ! Sau này, khi tôi gặp lại thầy sau hơn 35 năm xa cách, thầy hỏi:

- Hồi đó đứa nào hát câu: “Em tan trường về, em theo thầy về” ?

- Em không biết thầy ơi! (mà đúng là lúc đó tôi thực sự không biết đứa nào đã hát câu đó).

 

Hôm họp mặt trường NGUYỄN HOÀNG tại Thanh Đa năm 2010, cô bạn kéo tôi ra hỏi: “Thầy Cẩm Đăng đâu, mi chỉ cho tau coi”. Tôi chỉ thầy cho nó xem. Nó chạy đến bên tôi nói nhỏ:

- Tau thất vọng quá Sương ơi, người xưa hào hoa phong nhã của tau mất rồi!

- Mi quên rằng đã gần 40 năm trôi qua, thời gian là người bội bạc! Mình bây giờ đã già, sao bắt thầy trẻ mãi được!

- Ừ hé, tau quên mất !

 

Cô bạn còn lộ bí mật rằng chính cô là người đã đi theo thầy và hát câu : “Em tan trường về, em theo thầy về”. Tôi thầm nghĩ : “Đúng rồi !, chỉ có cô ấy mới dám hát câu ấy trêu thầy !”. Khi tôi kể chuyện, ngày ấy không chỉ một mình cô ấy thích thầy mà trong lớp còn có cô bạn khác xinh hơn thích thầy nữa đó. Cô bạn đã dũng mãnh phán rằng :

- Hồi đó tau mà biết được, tau đánh nó rồi !

- Ơn trên ! May mà mi không biết, chứ không thì không biết chuyện gì xảy ra !

 

Tôi kể lại hai câu chuyện thật của hai cô bạn của tôi đã thầm thương trộm nhớ thầy Cẩm Đăng, không biết các bạn có đoán ra hai bạn ấy là ai không ? Và thầy Cẩm Đăng cho đến giờ có biết được các cô ấy không ?

 

Khi nhắc đến thầy Cẩm Đăng, bạn nào cũng nhớ đến hình ảnh thầy dong dỏng cao, dáng thư sinh nho nhã đẹp và hiền. Thầy giảng bài rất hay, cho nhiều thí dụ minh họa về bài giảng, nhờ thế chúng tôi hiểu thêm về các điều kiện thiên nhiên như mưa, gió, bão, sao chổi, sao băng, thiên hà, ngân hà xa xôi. Chắp cánh cho học trò những mơ mộng về UFO, người ngoài hành tinh xa lạ…

 

Khi hè lớp 9 sắp kết thúc, chúng tôi sẽ chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả, kẻ đi về Bình Tuy, Cam Ranh, Quảng Thuận, người ở lại Đà Nẵng, kẻ về quê hương Quảng Trị, lòng bồi hồi tiễn biệt, tôi rụt rè đưa quyển Lưu bút nhờ thầy Cẩm Đăng viết vài dòng. Tôi thực sự vui mừng khi nhận được những dòng lưu bút của thầy :

 

“Thu Sương,

Trả nợ cho em đây, biết nợ gì không ? Nợ những giờ phút hăng hái mà em đã cho tôi trong những giờ học, những câu hỏi thông minh của em đã giúp tôi trong công việc giảng dạy, giúp tôi khơi động không khí học hành trong một hoàn cảnh quá thiếu thốn, những vành nón không đủ ngăn ánh sáng gay gắt buổi chiều, những tấm vách ván, mong manh hụt đầu hụt chân không đủ chặn luồng gió lạnh căm căm, thế mà các em vẫn chăm chỉ học hành, vẫn cố gắng trong mỗi kỳ thi, điều đó khiến tôi đã xấu hổ phần nào vì cảm thấy mình làm chưa đủ bổn phận. Tuy nhiên cũng khích lệ tôi rất nhiều trong những giờ đầu tiên đặt chân vào lớp học làm quen với phấn trắng bảng đen. Hình như là quá dài, tôi cảm thấy vậy.

Chúc em sang niên học mới đạt được tất cả những gì mà em mong muốn”.

 

Nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng niên khóa 1973-1974 thỉnh thoảng họp nhóm, chúng tôi mời thầy Huy Vỹ, và thầy Cẩm Đăng đến dự, các thầy đã cùng họp mặt với nhóm tại quán Cây Đa, Công viên Lê Thị Riêng năm 2009, quán Thềm Xưa nhân ngày 20/11/2010, quán Kamax ở khu Trung Sơn, hoặc tại nhà Phước 2012… Chúng tôi lưu lại những khoảng khắc vui vẻ của thầy trò bằng những tấm hình lưu niệm. Tập hợp những hình ảnh kỷ niệm của các bạn từ Sài Gòn, Bình Tuy, Đà Nẵng và buổi Họp mặt trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị năm 2010 và 2012. Nhân ngày 20/11/2012 tôi đã làm một video clip tặng thầy Cẩm Đăng, thầy Huy Vỹ và thầy Lê Thanh Trí với nhạc nền bài hát “Bài học đầu tiên” của Trương Xuân Mẫn với tiếng hát ngọt ngào của Quỳnh Giang.


Đó là tình cảm thân thương của học trò cũ của thầy, nhớ lại những ngày tháng thầy mới bắt đầu ra dạy, bỡ ngỡ đến trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, nơi xa xôi khó khăn, thiếu thốn vật chất mọi điều, trường học chỉ là một căn nhà lớn Mỹ để lại, lớp học ngăn bằng phên lác hụt đầu hụt chân. Nhưng trong đó vẫn gói trọn những tình cảm chân tình của học trò với thầy. Truyền thống tôn sư trọng đạo của quê hương còn lưu giữ, tôi hy vọng còn thắp sáng mãi. Tôi và các bạn cầu mong thầy và gia quyến vui vẻ, hạnh phúc, khỏe mạnh và bình an.

 

Viết 2010,  hiệu chỉnh lại 2012.

Nguyễn Thị Thu Sương

 

Di bút của thầy Tôn Thất Cẩm Đăng.



Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

CÔ KIM SA - Lê Văn Trạch

 


                               CÔ KIM SA                                                                                          Lê Văn Trạch


Cô Trương thị Kim Sa sinh quán tại Huế, năm 21 tuổi, đến Trường Nguyễn Hoàng và chỉ một niên khóa, Cô trở lại quê dạy Trường Kiểu Mẫu . Hình như Cô là vị nữ Giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Toán đầu tiên của Trường Nguyễn Hoàng, do vậy khi đáo nhận nhiệm sở, Cô được phân công phụ trách dạy Toán lớp Đệ Nhị của tất cả các ban. Tiểu sử của Cô chỉ có thế, thoắt đến, thoắt đi, không để lại dấu ấn cụ thể nào cho Trường cũ, theo dõi sách báo Nguyễn Hoàng xuất bản 10 năm trở lại đây, không thấy nhắc đến tên Cô, có thể nói Cô là một Giáo sư ít được biết và nhớ !

Cô phụ trách lớp chúng tôi mỗi tuần chỉ có một giờ, thời điểm đó lại bãi khóa liên miên, nên cộng lại cả năm học chẳng có là bao, bởi thế vài bạn "quậy" trong lớp ví von rằng môn Toán đối với Ban C chúng ta cứ như là một loại "mỹ phẩ" trang điểm cho cuộc đời học trò...

Vào một ngày trong tuần lễ đầu tiên của năm học 1964 - 1965, sau khi chúng tôi đã vào chỗ, từ cửa chính, một Cô Giáo rất trẻ, trong chiếc áo dài lửng màu tím nhạt, mang kiếng trắng nhẹ nhàng bước vào . Sau khi bỏ chiếc cặp trên bàn, Cô nhìn xuống, có thể để chuẩn bị cất lời chào, cùng lúc ấy, từ cuối lớp nhiều tiếng cười nổi lên rồi lan rộng ra. Cô bình thản hỏi: Các Anh Chị cười xong chưa? Người nào cười giỏi nhất lên đây cười thi với Cô. Cả lớp đột nhiên im phăng phắc và từ đó không bao giờ có tình trạng như thế xảy ra nữa. Tôi chăm chú nhìn Cô, hình như sau vóc dáng mảnh khảnh trẻ trung của một Cô Giáo mới ra trường, đang tiềm ẩn phong thái an nhiên tự tại đầy ắp bản lãnh và sự tự tin!?

Ngày tháng sau đó là những giờ học nghiêm túc, mặc dầu thời khóa khiêm tốn, nhưng Cô có cách để chúng tôi hiểu được bài học, thông cảm và rất thương học trò, chả thế mà có lần Nguyễn Ngọc Hùng trong kỳ thi Lục cá nguyệt, thay vì làm toán, anh lại làm thơ, Cô vẫn cho điểm trung bình.

Rời Trường, lăn lộn với cuộc đời, thường xuyên đối mặt bao điều bất trắc, ít có lúc nghĩ đến những ngày tháng trên sân trường, bạn học mỗi người một ngả, chỉ thoáng gặp nơi nào đó, không có thì giờ và điều kiện để nhắc nhở tâm sự.

Sau cuộc chiến, chính những lúc ở trong trại giam, đầu óc mới rảnh rỗi, tự do để nhớ ra và tìm lại những chuyện đã qua, khi ý tưởng dừng lại ở Trường xưa, ngoài khuôn mặt của một số bạn thân tình, lạ thay bóng dáng Cô Kim Sa lại xuất hiện, vẫn vóc dáng và phong cách ấy . Ngoài kia, mọi người đang khốn khó, lo lắng đủ điều, Cô Giáo mình sống ra sao, tự nhiên tôi nghĩ dù ở trong môi trường nào, Cô cũng có cách sống riêng, biết cách xoay sở để hòa nhập ...bỗng dưng trong tôi hình thành một tâm nguyện: Như thế nào đó để một lần được gặp Cô.

Ý nguyện này càng lớn mạnh khi ra nước ngoài: Trong những lần hội ngộ hay qua sách báo, có dịp là hỏi : Cô đang ở đâu ? Trong hay ngoài nước, nhưng không có câu trả lời . Mãi cho đến năm 2009, có người mách bảo đã thấy Cô ở Houston trong Lễ Hội Quan Âm tại chùa Việt Nam và hình như Cô đang làm phật sự tại đây, nhưng khi liên lạc được với chùa thì Cô không còn ở đây nữa!

Cuộc tìm kiếm tiếp tục, lần này tôi nhờ Quý Thầy sinh hoạt trong Hội Quốc Học Đồng Khánh và Quý Cô Giáo Nguyễn Hoàng, cuối cùng Cô Phan thị Lan, người dạy tôi những năm Đệ Lục, Đệ Ngũ đã cho số điện thoại ...

Một ngày giữa năm 2010, vừa bấm số, tay vừa run với nhiều cảm giác xen lẫn, bởi vì biết mình sắp có phút giây đặc biệt, điểm đến của ước nguyện . Lời đầu tiên, chưa kịp chào, tôi buột miệng: "Thưa Cô, em tìm Cô bao nhiêu năm nay" . Cô ngạc nhiên, im lặng, nghe trình bày...

Mười mấy năm dạy học, với hàng ngàn học trò ... nhưng khi nghe nhắc đến những sự kiện, những khuôn mặt ngỗ nghịch trong một lớp chỉ có ba mươi mấy học sinh, với mấy mươi giờ phụ trách làm cô xúc động!

Lần tiếp xúc đầu tiên ấy đã khai mở cho quan hệ thân tình sau này, những lúc rảnh rỗi hay đang dừng chân ở một sân bay nào đó, Cô lại gọi. Cô bảo là ít khi nói chuyện với ai lâu, nhưng với Em, lắm lúc lại sa đà vào câu chuyện và chia sẻ nhiều điều mà không phải với ai Cô cũng bày tỏ. Dần dần những băn khoăn của tôi được sáng tỏ: hình như Cô đã vạch ra cho mình những tiêu chí về cuộc sống, cân nhắc hình thành một phương trình, cứ theo đó mà đi trên căn bản nhân sinh quan, lấy đạo lý nhân bản và chủ quyền làm trọng, bởi thế khi thấy cuộc đời manh nha chuyển qua giai đoạn " chênh vênh, khập khiễng " Cô đã quyết định làm Người Mẹ độc thân và mang hai đứa con còn rất nhỏ vượt biên, đó là động thái có tính cách đánh đổi để có được sự tự do trong cuộc sống và cũng là thái độ bảo vệ nét đặc thù của mình mặc dầu Cô phải trải qua thời gian dài gặp muôn vàn khó khăn để hội nhập . Cũng từ đó, Cô chú tâm nghiên cứu và tu tập Phật Pháp, lấy giáo lý Đạo Phật để chiêm nghiệm và đối chiếu với cuộc đời của mình và ngộ ra một điều: Những oan trái gặp phải là những điều phải đến trong một kiếp người bởi đó là một chuỗi diễn tiến của Nghiệp lực và Nhân quả, phải biết nhận diện khổ đau, xuyên qua nó để có những phút giây an lạc trong giờ phút hiện tại, luôn phải tỉnh thức để có chánh niệm. Cô chia sẻ năng lượng ấy cho những người chung quanh bằng những việc làm thiết thực, dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện hoặc tâm tình với Quý Thầy Cô Giáo cũ của Cô, tuổi già đang cần tâm sự, chia sẻ. Cô kể rằng có vị Thầy rất mê đá banh, nên phải tìm hiểu qua tài liệu và bạn bè để có thể tường trình World Cup cho Thầy nghe.

Cô đang có cuộc sống thật bình dị tại thành phố biển, miền Nam nước Mỹ để chăm sóc cháu và chăm sóc Thân Tâm mình, lý giải cho cuộc tiếp xúc này, Cô nửa đùa nửa thật: Có lẽ ở một kiếp nào đó Cô - Trò ta đã quen biết, những giờ phút ngắn ngủi ở Trường Nguyễn Hoàng là tín hiệu để sau này nhận diện khi đủ duyên, tâm nguyện của Em được hình thành bởi khi Em khởi điều ấy ra với cả tấm lòng thiết tha thì cũng như đã tạo một nhân lành để hôm nay gặt quả tốt ... Tôi kiểm chứng và đối chiếu với bản thân: Điều này cũng đã xảy ra với một Cô Giáo Đệ Nhất Cấp và một phụ nữ khác - vợ người bạn tù - ngày trước là Giáo Viên, đã xin đi kinh tế mới gần trại giam và tình nguyện chăn bò để thỉnh thoảng nhìn thấy chồng hoặc tiếp tế khoai sắn cho chúng tôi. Tôi đã tìm gặp, ở một tiểu bang xa xôi miền Đông nước Mỹ.

Chưa có dịp được gặp, những lúc có điều gì vui Cô lại gọi, đó là thời điểm thật an lạc, cuộc đối thoại thật tự nhiên, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề, Cô nói đó là những bổ sung nhận thức.

Trên bục giảng, Quý Thầy Cô đã trao truyền cho chúng ta kiến thức cần thiết như là hành trang vào đời, nhưng có những điều không ghi trong bài học, tùy mỗi người cảm nhận, bắt gặp và giữ lấy từ phong thái và cách ứng xử của Thầy Cô nào đó, không hẳn vị ấy là Giáo sư Cố vấn hay dạy những môn chính. Tôi trình bày điều này với vị Thầy dạy Đệ Lục với ngôn ngữ thực tế rằng: Em đã "học lóm" ở Thầy nhiều điều bổ ích khi ứng phó với những rắc rối gặp phải. Chữ nghĩa thu thập được ở nhà trường đã tiêu hóa, hòa tan trong bể tích lũy kiến thức, không thể nhận biết, nhưng bản tính và phong cách của Quý Thầy Cô đôi khi hiện ra rất rõ và có ảnh hưởng, tác động nhất định.

Xin cám ơn Cô Kim Sa về cuộc trùng phùng với những trao đổi  bổ ích, bước chân Cô đã trải trên những "dặm dài nhân thế" đầy cay đắng và bất trắc, nhưng bằng nghị lực và niềm tin Tôn giáo, Cô đã đi qua một cách bình thản mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Đó là món quà thiết thực quý báu Em nhận được sau bao năm băn khoăn, thắc mắc tìm kiếm, giờ đây lòng Em thật thanh thản.

Một lời - có thể là thừa - nhưng Em xin Cầu nguyện Cô có được tất cả sự Bình An trong những ngày cuối đời.

                                                                                            Memphis TN, tháng 9/2015

Học trò Lê Văn Trạch