Lần lữa mãi vì chờ nhau, cuối cùng chỉ có a Quang Võ và mình trên chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Đông Hà. Theo kế hoạch chạy tàu, hai anh em sẽ có mặt ở ĐH lúc 11g30. Thế nhưng mãi cho đến gần 3 giờ chiều mới đế nơi . Ôi, giờ giấc Việt Nam !
Ra đến nơi ghé vào Tân Châu ăn trưa xong, chưa kịp nghỉ ngơi, tranh thủ điện ngay cho vc Trần Tài-Bích Lan và hẹn gặp nhau ở Cafe Phố Xưa vì ngày mai Tài-Lan phải vào lại Saigon để tiếp tục lo đám cưới cho con trai. Lần cafe này còn có cả Huy- đứa em cuối đường Quang Trung của a Quang Võ và cũng là thằng bạn cùng lớp với mình từ hồi ở trường Nam Quảng Trị. Chiều tối ngày 19.7, ae bè bạn lại gặp nhau ở nhà vc Vi-Sáu. Ae tranh thủ chuyện trò cùng tham gia ch. trình văn nghệ cây nhà lá vườn đột xuất với phần đệm guitare của Đỗ Hà và Đ Quang Tạo. Hát hò ở nhà chưa thấy đã, cả đám lại rủ nhau đi KaraOke ở Karaooke Hoàng Tử ( nằm đường nào mình không nhớ ) . Thật kinh ngạc, ở một thành phố loại ba như ĐH nhưng lại có những phòng Ka rất ư là hiện đại. Trong phòng có đến 3 màn hình led cỡ 50 inch treo ở ba mặt tường, ngồi vị trí nào người hát cũng nhìn được màn hình. Khách hát không cần xài đến remote mà các khâu chọn bài và lưu bài hát chỉ dùng ngón tay chỉ chọt trên cái monitor màn hình cỡ 19 inch led cảm ứng, thế là xong. Cuộc vui mãi đến gần 11 giờ đêm ace mới chịu "tan hàng-cố gắng!" ( khẩu hiệu này là cả một giai thoại rất vui và dễ thương của cánh ae Nguyễn Hoàng ta. Ai muốn nghe cứ tìm đến a Quang Võ nhé ! ). Sau khi được nghe giọng hát của những “ ca sĩ “ U 50-60, mình mới tự giải thích cái điều đang thắc mác trong lòng : Sao ở ĐH lại có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ KaraOke đến thế ? Mà cơ sở nào cũng bề thế cùng những trang bị bên trong thật hiện đại VoxTheo mình, có lẽ vì dân Quảng Trị ta ai cũng ham ca hát và phần lớn đều hát hay một phần do cả cái giọng trọ trẹ của QT miềng chăng ? Thôi tạm vừa lòng với cái phát hiện “ vĩ đại” của mình vậy . Tất cả lại hẹn hò : ngày mai sẽ cùng vào QT ăn sáng và cafe bên bờ sông Thạch Hãn . Sáng 20.7, trời bỗng đổ mưa và rồi " mưa kéo dài lê thê", thế là đành phải lỡ hẹn với một số ace Quảng Trị nhà ta. Chương trình đành chuyển sang gặp nhau ở Cafe Phố Xưa bên cạnh sân vận động Đông Hà. Ở đây, ae lại có dịp gặp o Tỵ -" người nhóm lửa" trong BLL. NHQT. Sáng ni, Tỵ có việc nhà nên phải đội mưa từ QT chạy ra ĐH. Nghe tin có ae ĐN ra, thế là Tỵ hấp ngay một bao bánh bột lọc mang ra làm quà. Ôi, cái tình của eng chị em NH nhà mình mới đáng quý và dễ thương làm sao ! Sau đó, mấy ae lại chạy lên nhà Quang Tạo để hội quân với nhóm a Công Huệ, Đức, Hải... Lại tiếp tục trà lá chuyện trò rôm rả...12 giờ trưa chuyện vẫn cứ râm ran, bao nhiêu "trò xưa-tích cũ" hơn 40 năm trước lại có dịp tuôn trào tưởng như không có điểm dừng. Mấy ae lại kéo nhau lên quán Quỳnh Phương ngay ngã tư Hùng Vương- Lý Thường Kiệt ăn trưa và bàn và thông qua kế hoạch buổi chiều. Hai anh em về KS tranh thủ nghỉ ngơi cho lại sức để chuẩn bị buổi gặp mặt chia tay cùng ae bè bạn ở ĐH... Nằm nghỉ đến chừng 5 giờ chiều, tới lúc này mới nghĩ đến việc thăm thú phố xá và chợ búa . Cùng dạo bộ dọc theo quốc lộ 1 ngang qua thành phố, dừng chân cạnh công viên úp vài pô ảnh kỷ niệm cho a Quang tối nay kịp " báo cáo" với gấu nhà ( gấu này đã thuần hóa nên hiền và ngoan đến cực kỳ - đùa tí MD đừng la nghe ! ). Đi lòng vòng quanh chợ và chủ yếu là ngắm thiên hạ mua bán chứ hai ae cũng chẳng mua sắm chi... Đến gần cuối đường, ui cha là mừng ! Một quán cháo cá ! Hai ae tấp vào, cháo bột nấu với cá tràu , chỉ có thế nhưng cả hai cứ có cảm giác chưa bao giờ ăn được tô cháo cá nào ngon như thế ! Mà cũng đúng thôi, suốt gần hai ngày có ăn bữa nào cho ra hồn đâu, cứ mãi ham chuyện trò hàn huyên rồi hết 50 lại đến 100 quên cả ăn mà vẫn không thấy đói và đến lúc này cái " con" trong thân xác này, nó lại vùng dậy trong vô thức và miệng lưỡi lại bảo nhau " ui chao là ngon !". Tối, bên quán nhậu cạnh đường, sát lưng KS hai ae đang tá túc, ae ta lại tiếp tục gặp nhau. Hết chuyện xưa lại đến chuyện nay, chuyện kẻ mất người còn, đứa gần bên lưng thằng xa ngút ngái... Tất cả, hôm nay ae ta lại có dịp cùng nhau nhắc nhở và cũng không thiếu những ngậm ngùi trong nước mắt " Mi khóc làm tau cũng khóc theo " ( lời của Châu " trống" ở Đông Hà ). Sau 40 năm, ae bè bạn gặp nhau với bao nỗi niềm vui buồn lẫn lộn, dù biết tất cả đều vô thường nhưng vẫn không tránh được những chạnh lòng ! Lời chia tay nói vội, những nhắn nhủ hứa hẹn vói theo, những vòng tay như níu kéo khi chợt nghĩ đến ngày gặp lại không biết sẽ còn được bao nhiêu đứa còn trụ vững để đợi chờ ? Có lẽ vì thế nên bao nhiêu mồi nhậu kêu ra mà không mấy thằng đụng đũa. Ôi, chén ly bôi ta nâng mãi cho mềm môi cho bao nỗi niềm tan dần theo viên đá ! Chia tay ae bè bạn Đông Hà, hai ae quay về KS. Những bước chân im lặng theo từng bậc cầu thang cho đến tận tầng ba. Từ khung cửa sổ KS nhìn xuống bên kia đường quán hàng đêm vẫn còn ánh điện. Đến lúc này mới chợt nhớ tối nay uống nhiều nhưng chưa kịp ăn gì ! Riêng Quang Võ không những chưa kịp ăn mà bia uống cũng chỉ nhắp môi để thù tiếp bạn bè ( eng Quang Võ nhà miềng tửu lượng, dù ưu ái cũng chỉ xếp vào hàng thấp kém ). Bụng không đói nhưng cũng phải ăn giữ sức để còn " chiến đấu" lâu dài ! Thế là lại một vòng lội ngược từ tầng ba. Đã 12 giờ khuya ! Quán cũng vắng khách. Gọi hai tô cháo lươn. Thời gian quán hâm nóng cháo có lẽ còn dài hơn thời gian hai ae ăn cháo. Cháo ngon nhưng trưa cháo , tối lại cháo, ăn hoài cũng ngán . Cố gắng húp nhanh về nghỉ để ngày mai còn dậy sớm cho kịp chuyến xe đón tại KS lúc 6 giờ sáng . Gắng ngủ đi thôi ! Chúng ta ơi !... Qua khung cửa kính chân trời phía đông đã bắt đầu hừng sáng nhưng cả thành phố vẫn hãy còn say ngủ. Dù biết rằng khả năng của cái máy ảnh du lịch rất hạn chế khi chụp trong điều kiện thiếu sáng nhưng cứ bấm đại mấy phát vì biết đâu khi đưa lên FB lại có lắm anh like!like! Đến 7 giờ xe mới đến . Quang Võ lại nhanh chân giành ngay cái ghế đầu bên cạnh bác tài. Cả một đoạn đường dài, trên chiếc xe Toyota 16 chỗ ngồi có vỏn vẹn 3 người khách . Ngoại trừ vc bác tài xế trao đổi với nhau về chuyện đón khách dọc đường, còn lại khách chẳng nói với nhau tiếng nào. Mình hiểu, với Quang Võ, sau 40 năm mới trở lại cố hương, không phải ngẩu nhiên mà QV giành chiếc ghế đầu xe ngay bên cạnh tài xế. Những thước phim của ký ức đang được quay trở lại miên mang. Dòng Thạch Hãn hiền hòa của tuổi thơ vẫn trôi xuôi dòng đấy thôi . Con đường từ cầu ga chạy về cái thị xã bé tí đầy rẩy những kỷ niệm của một thời ấu thơ rồi học trò vẫn còn đó. Những trảng cát trắng-quê nghèo kéo dài từ Long Hưng cho đến gần hết địa giới Hải Lăng dọc theo con đường " cái quan" xuôi mãi về Nam vẫn còn đấy... Ôi! chuyện tồn vong cứ tiếp diễn xoay vòng không thôi . Biết thế nhưng mãi còn đó nỗi buồn của bao người con xa xứ như Quang Võ . Không còn gì để lưu giữ đẻ nhắc nhở những ký ức của một thời tuổi dại-một thời trai trẻ với nhưng bâng khuâng nhung nhớ đến ray rứt , xốn xang đầu đời... Không những trường xưa gạch ngói nát tan mà đến cả cái tên trường cũng mất ! Anh, tôi, chúng ta mất mát nhiều quá ! Cái trống rỗng lạnh lùng mãi không thể lấp đầy... Và khi quay về, chỉ còn biết kiếm tìm cái tình, cái nhớ rời rạt trong trong ký ức nhạt nhòa của bè bạn hầu khỏa lấp phần nào mất mát cùng nỗi buồn không vơi...Mình biết vì sao QV không nói cả một quãng đường dài. Sau đôi mắt kính đen ấy còn bao điều chợt đến mà không dễ gì có thể lột tả bằng lời...và mình cũng lặng im quên quên nhớ nhớ mông lung . Đến Huế vẫn còn khá sớm. Hai ae gọi taxi chạy về Phan Đình Phùng thăm Hoàng Như Huy ( con gái của thầy HV Ngũ-Trưởng ty Tiểu học vụ Quảng Trị một thời ). Xe chạy đến số 15 PĐP, vào gõ cửa hỏi Như Huy, chẳng ai biết. Lấy danh thiếp của NH ra xem lại, hóa ra nhà số 65. Mắt mũi lem nhem, cũng già cả rồi chứ còn trẻ trung gì nữa ! Hai ae đành cuốc bộ trở lại. Ngang qua chợ Bến Ngự, nhìn mấy mớ cá bống đao tươi roi rói mà nhớ soong cá bống thệ kho khô, rồi mấy bụng trứng vàng ươm của cá bống mũ mỗi mùa nước lụt của mùa mưa Quảng Trị quê miềng... Ngôi nhà rường cổ Như Huy đang ở nằm trong khuôn viên của một phủ đệ . Lâu lắm rồi, nơi đây chắc cũng từng " Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo " và dập dìu ông hoàng-bà chúa của một thời hoàng kim Nguyễn triều ! Vì đã điện trước nên Như Huy đã chờ sẵn ở nhà. Tóc búi cao cùng chiếc áo dài màu tím Huế. Nhìn quanh mọi thứ bài trí trong nhà đều cổ và chủ nhà trang phục cũng rất cổ. Mình chợt nghĩ chỉ cần thêm một vài món trang sức trên cổ trên tóc của chủ nhân ngôi nhà và bấm một pô ảnh tone màu đen trắng nữa chắc sẽ lắm người nhầm lẫn về thời gian ra đời của tấm ảnh lẫn nhân thân của người trong ảnh. Chuyến này về Huế, Quang Võ được bà đầm giao một nhiệm vụ : Tim cô bạn cũ thời Đồng Khánh ngày xưa. Thanh Phương hiện là bs làm việc ở BV TƯ. Huế. Thế là hai ae rủ luôn Như Huy lên cafe nhà sách Phương Nam cạnh bờ sông Hương. Đến nơi, hóa ra N.Huy và Th Phương đã là người quen biết từ lâu. Mọi người chuyện trò thăm hỏi tưng bừng , rồi say sưa không dứt về những kỷ niệm ngọt ngào của thời cắp sách. Thanh Phương biết khá nhiều anh em old NH vì ông xã của TP cũng là một bs nổi tiếng ở Huế. TP nhắc a Trần Văn Long, ae Phan Văn Thám và Phan Thị Hạnh...Đặc biệt, Th Phương có lối nói chuyện rất tự nhiên, gần gũi và cũng rất duyên dáng trẻ trung , thật chất của mấy o ĐK xứ Huế năm xưa. Còn Ba của Như Huy trước đây, một thời là Ty trưởng Ty Tiểu học vụ Quảng Trị ( Người kế nhiệm thầy Hồ Doãn Diễn ). Như Huy là người khá nổi tiếng không những riêng với Huế mà có lẽ còn với cả nước và thế giới . Huy được biết đến là một nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của Huế ( bao gồm cả ẩm thực cung đình ). Mình có nhắc đến món chè phượng-một món ăn độc đáo mà chỉ riêng những nữ sinh Đồng Khánh của thập kỷ 50-60 mới có cơ hội thưởng thức. Trong sân trường Đồng Khánh và cả ngôi trường Quốc học sát bên trồng biết bao là phượng. Sau ba tháng hè những hàng phượng thắm đỏ đua nhau khoe sắc, đến mùa tựu trường, khi mấy cô chú học trò quay lại thì những hàng phượng đỏ đã đến độ chín muồi nhan sắc. Đập dập trái phượng ra, bên trong là những hàng hột no đầy tinh chất. Bóc hết lớp vỏ xanh bên ngoài, hai lớp cánh mỏng trắng trong như bột sắn lọc đã được hấp chín ăn vào dẻo dính cả vào răng. Lớp cánh này lại ôm ấp phần nhân màu xanh ăn vào ngọt ngọt, thơm thơm dịu dàng. Đây là nguyên liệu chính để nấu món chè phượng. Như Huy hứa sẽ thử nghiệm nấu lại món chè này bằng trái phượng hái còn xanh nhưng hạt đã đến độ ăn tươi được và cả trái phượng đã nứt vỏ hạt khô đen bung rớt ra ngoài. Mong Như Huy thành công để Huế thêm một món chè và mấy o Đồng Khánh lại có dịp thưởng thức món chè dân dã mà ắp đầy kỷ niệm. Mới gặp nhau một lát mà đã hơn 11 giờ trưa. Mấy ae cùng thống nhất : bánh bèo, bột lọc , bánh nậm... Chỉ còn chọn địa điểm rồi trực chỉ lên đường thôi, đi sớm chưa kịp ăn sáng bụng cũng " xuống đường biểu tình" rồi ! Về Mụ Đỏ dưới cánh Chợ Dinh thì quá xa, thôi xuống Hàng Me đường VTS đoạn gần nhà ca sỹ-Bs Hoàng Hải Thủy của NH nhà miềng vậy. Cả nhóm vừa bước xuống xe, cô chủ quán đã vội ra chào hỏi. Hóa ra chủ quán là học trò của Như Huy. Tự nhiên mình nhớ lại cái cảm giác của những năm còn học ở Huế. Mỗi khi ra đường, cứ tưởng mọi người như đã quen nhau, những móc xích tình cảm bè bạn không ngừng được phát triển và kết nối, từ trường này đến trường kia, từ khoa này đến khoa khác. Một không gian yên bình đầy tình cảm yêu thương như dòng sông hằng mãi trôi ngang qua thành phố,như màu xanh mát-đằm thắm của những hàng cây cả ở đôi bờ sông Hương bất chấp cả bom đạn-chết chóc đang hiện hữu từng phút từng giờ của chiến tranh khốc liệt bạo tàn. Các món bánh được lần lượt dọn lên. Bánh ướt cuốn tôm chấy, bánh bèo cũng nhân tôm chấy, bánh nậm, bánh bột lọc nhân tôm cùng một tí thịt mỡ ( ngày xưa thịt mở nhiều hơn ), thêm món bánh ít trắng kẹp bánh ram. Tất cả chỉ ăn kiểu " cung đình "nhưng mấy ae phải ép nhau ăn mới hết . Có lẽ lâu ngày mới gặp lại nhau nên ae mãi hỏi chuyện nhau quên cả ăn uống chứ các loại bánh ở đây đều tuyệt ngon và rất Huế ( Rất Huế thiệt chứ không phải Rất Huế của NĐM ở Thanh Đa,Saigon đâu nhé ! Đùa thôi ! ). Trong bàn ăn, mình giới thiệu thêm củ "bình tinh dét"- một loại củ đặc sản của QT mình. Những chùm củ tròn tròn, to cỡ chừng ngón tay cái. Gọt lớp vỏ lụa bên ngoài xong, bào trên tấm thiếc đục lỗ, dùng muổng vếch cái chất bột dẻo nhuyễn này vào nồi nước đường đang sôi là có ngay món chè, còn thả vào nồi nước thịt hoặc xương hầm là có ngay nồi cháo bình tinh xương tuyệt ngon. Mấy món này, từ nhở tới lớn mình chưa thấy ở đâu bán mà chỉ được ăn ở nhà thôi . Có lẽ vì loại củ này chỉ có một số vùng ở QT mới trồng được mà năng suất cũng thấp. Hơn nữa, phần gọt lớp vỏ lụa bên ngoài lại mất thì giờ và quá công phu. Loại củ này, người ta còn xay tươi ra lọc lấy bột, phơi khô làm bánh bình tinh, loại bánh ăn không cần nhai cắn, chỉ cần đặt lên lưỡi và bột bánh sẽ tự tan và cho cảm giác ngọt mát đến lạ lùng. Loại bột này, xúc vài muổng cộng thêm ít đường bỏ vào chén hoặc ly rồi chế nước sôi và khuấy đều , một chén bình tinh " óc trâu" không phải lúc nào cũng có để ăn của thời thơ ấu...Vì bột này đắt và hiếm nên rất dễ mua nhầm bột giả làm từ củ hoành tinh ( trồng thành bụi có lá tựa như lá dong ). Đi ăn với " Nhà giáo-Thành viên Danh dự Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp" đồng thời là "Nghệ nhân Dân gian VN " ( các danh hiệu của Như Huy ) nên nói toàn chuyện ẩm thực ! Chuyện hợp tan vẫn là lẽ thường tình ! Gặp nhau để rồi chia tay ! Hai ae đưa Th Phương về lại nhà sách PN để lấy xe. Sau đó, đưa tiếp Như Huy về lại ngôi nhà cổ kín cổng cao tường bên dòng sông An Cựu "nắng đục mưa trong". Cảm ơn tất cả bè bạn ! Cảm ơn Đông Hà-Quảng Trị ! Cảm ơn Huế ! Cảm ơn đã cho bè bạn phương xa những khoảnh khắc ngập đầy hạnh phúc được quay lại với một thời tuổi trẻ vô tư-nông nổi mà cũng quá ngọt ngào !
Chúng ta mãi ở trong kí ức và cả ở trong tim nhau phải không những bè bạn thân thương của chúng tôi ?" |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét