Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

HỘI NGỘ NGUYỄN HOÀNG TẠI ĐÀ NẴNG 16/9/2018



Hội Ngộ Nguyễn Hoàng 16/9/2018
Lê Thị Ba

Trong sinh hoạt định kỳ cà phê tháng 8, anh Nam Anh, Trưởng ban liên lạc của Nguyễn Hoàng Đà Nẵng đã phân công mỗi người mỗi việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tháng 9/2018.
Đà Nẵng lúc nào cũng tổ chức gặp mặt vào tháng 9 để nhớ ngày khai giảng. ôn lại không khí tựu trường như cảm xúc của nhà văn Thanh Tịnh mà hầu như ai trong chúng ta cũng thuộc lòng: ‘Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…’ Phải chăng đó là dư âm ngày tháng cũ khi chúng ta còn học ở Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị?
Sau khi Thư Mời được gởi đi, càng gần ngày gặp mặt, tôi nhận được những cuộc gọi, những lời nhắn tin của NH Đông Hà, Quảng Trị, Huế cho biết sẽ vào tham dự với tổng số là 58 quý thầy cô giáo và cựu học sinh. Thật là vui và hân hạnh vì nghĩ rằng đó là tấm lòng quý mến dành cho Đà Nẵng. Niềm vui đồng hành với suy nghĩ phải đón tiếp sao cho đàng hoàng, chu đáo. Lúc đầu, Ban Tổ chức chỉ dự định phòng vừa, sân khấu nhỏ với dàn karaoke hát cho vui thôi. Nhưng rồi trao đổi với anh Nam Anh và anh Thanh Bình xong, khi làm việc lại với nhà hàng, tôi chọn sảnh lớn, sân khấu rộng cùng với ban nhạc để không gian thoáng đãng và các tiết mục biểu diễn thuận tiện hơn. Tất cả đã sẵn sàng. Tối hôm 15/9 anh Lộc còn gọi báo cho biết có một đoàn khoảng 20 anh chị em Quảng Trị và nhạc sĩ Võ Công Diên (Sài Gòn) sáng mai cũng đến dự. Tôi nói: Ồ, vậy thì quá sức vui. Năm nay Đà Nẵng mình hân hạnh vô cùng. Welcome! Welcome!
Sáng 16/9, tôi và Quỳnh Nga, Kim Anh, Hữu Minh (Cam Ranh) đến lúc 8 giờ đã thấy anh Nam Anh và Bích Huệ có mặt rồi. Một lúc sau MC Quỳnh Thủy rất duyên dáng trong áo dài hoa tím xuất hiện cùng với anh Trần Thanh Bình. Lần lượt các em nhóm múa đến và đang dượt lại trên sân khấu cho quen vị trí. Chị Thu Nhi là dâu của Nguyễn Hoàng cũng đến sớm phụ việc rất năng nổ. Cùng anh Nam Anh chuẩn bị hoa và quà tặng xong, tôi lo bày biện bàn tiếp tân. Anh Lê Văn Tiễn đem đến 36 tập thơ của mình để biếu tặng cho những ai thích thơ văn.
Anh Thái Vĩnh Thảo (Đông Hà) là người khách ở xa đến sớm nhất. Anh nhắc lại kỉ niệm lần tôi và Hoàng Thị Thìn đến nhà Nguyễn Ngọc Hùng (Hùng Vĩnh Phước) cùng tuốt đậu phụng mẹ Hùng mới nhổ sau vườn vô. Chỉ một câu nhắc lại mà như cảm nhận được mùi đất, mùi hăng hăng của đậu phụng tươi. Đúng là những gì liên quan đến đất mẹ và bạn bè luôn đằm sâu trong tâm tưởng. Tiếp theo, nhóm Biển Hát Đông Hà bước vào với những cô gái xinh xinh trong đồng phục áo thiên thanh và váy đen. Chị Bạch Hoa cho biết có 15 bạn đi tàu vào, 11 giờ tối qua đến ở lại nhà Trần Kim Anh 8 bạn. Ồ chắc anh Dũng, phu quân của Kim Anh một phen điếc tai với nhóm bồ chao của vợ.
Khách đến càng lúc càng đông. Các bạn trong ban tiếp tân và cài nơ là Hoàng Lan, Hoàng Lý, Thu Nhi và Nguyệt làm việc luôn tay, nhưng thỉnh thoảng vắng bóng làm tôi phải tìm gọi. Sau này nhìn ảnh và video mới biết các nàng bỏ… nhiệm vụ tranh thủ đi tạo dáng, chụp hình.
Đoàn Quảng Trị đi 2 xe. Xe có thầy Nguyễn Đình Hạnh, anh Đoàn Tầm, anh Nguyễn Văn Nuôi, anh Trần Sừng, anh Hồ Xuân Phúc, anh Văn Quang Trường, chị Đoàn Thị Lệ, chị Bùi Thị Thương, anh Bùi Như Thúy vào trước. Còn xe anh Hữu Hoàng, anh Trần Văn Hải, anh Trần Hội, chị Xuân Lộc, chị Hồng Đơn, chị Lê Sáu, chị Ngọc Liên, chị Tố Tâm và chị Lê Thị Trường vào sau một tí. Anh Nguyễn Hồng Hiến đến và nói chuyện chương trình Vòng Tay Nhân Ái sắp tới. Thôi thì tiếng chào hỏi vang lên với tay bắt mặt mừng ngay cửa ra vào rất đông vui.
Đoàn Huế thật đầy ấn tượng với 17 người trong đó có 8 thầy cô giáo là thầy Trần Phò, thầy Trần Sĩ Tiêu, thầy Nguyễn Huy Vỹ, thầy Lý Văn Nghiên, thầy Nguyễn Văn Dòa, cô Diệu Vân, cô Tâm Thạnh, cô Ngô Thị Hoa. Cựu học sinh có anh Trần Kim, anh Đoàn Tùng, anh Trần Xuân Cương, anh Thái Tăng Ấn, chị Vĩnh Hòa, chị Ngọc Liễn, chị Thụy Luyến, chị Trần Hóa, chị Đoàn Thị Tĩnh.
Đoàn chủ nhà ra chào hỏi tận cửa và các đoàn bắt tay, thăm hỏi nhau rộn ràng vô cùng. Những câu: ‘Chào hi’, ‘Lâu ngày hè’, ‘Khỏe khôông’, ‘Chừ mới chộ’, ‘Lâu ni mần chi mà vắng bóng’ … nghe thật thân quen và vui không thể tả.
Quảng Trị còn có một đoàn nữa do anh Lê Đông Hải trưởng đoàn đến đúng vào giờ khai mạc, Đoàn gồm anh Hải và 10 cựu học sinh là chị Thanh Hương, chị Ánh Hồng, chị Lê Thị Thiệp, anh Lê Văn Dũng, anh Đỗ Khắc Điệp, anh Trần Bình, anh Nguyễn Vỹ, anh Trần Văn Công, anh Hoàng Thại, anh Võ Công Diên. Anh Võ Công Diên thật nghệ sĩ với cây đàn trên vai, có lẽ nó cũng theo anh trên các dặm đường từ Sài Gòn cho đến miền Trung này.
Ở Sài Gòn ra có vợ chồng anh Nguyễn Đăng Phán và chị Ngô Thị Thu Ba thật hiền hòa và bỡ ngỡ vì mới đi dự lần đầu tiên.
Đoàn Đà Nẵng có thầy Nguyễn Tịnh, thầy Hồ Ngọc Thanh, thầy Nguyễn Ngọc Bôi, thầy Trần Trọng Huấn, thầy Phan Khắc Đồ. Các thầy thường xuyên dự với chúng ta năm nay bắt đầu vắng bóng. Thầy Nguyễn Hữu Nhơn đã ra đi. Còn thầy Trần văn Hiến, thầy Nguyễn Thiện Lữ, thầy Võ Văn Bồi, cô Lê Thị Em hồi này hơi yếu không thể đến những nơi đông người.
Hôm trước, thầy Nguyễn Thanh Ân có gọi điện nói chuyện hỏi tình hình chuẩn bị ra sao và nhờ chuyển đến cuộc gặp mặt với 3 ý:
• Thầy rất muốn di dự nhưng sức khỏe không cho phép
• Cho thầy gởi lời chào thân ái đến các bạn đồng nghiệp ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và các học sinh.
• Chúc cuộc gặp mặt thành công tốt đẹp.
Cựu học sinh NH Đà Nẵng tham dự khoảng 80 người. Năm nay có những người lần đầu tiên mới hội ngộ như chị Tuyết Nhung (Tam Kỳ) chị Trần thị Hậu, anh Trần Ngọc Hòa, anh chị Trần Xuân Lợi -Vân Huệ.
Đến 10 giờ 40, chương trình được bắt đầu. Sau phần giới thiệu là phần văn nghệ chào mừng với tiết mục múa Lối về xóm nhỏ của đòan Đà Nẵng. Sáu cô thôn nữ với áo bà ba vàng lúa chín, nón lá quai tím, hoa sứ cài mái tóc thật là xinh. Có người trầm trồ: ‘Thôn nữ kiểu ni chắc nông dân thả lúa xuống hết’. Nhạc nổi lên: ‘Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…’. Lời ca tròn trịa, đậm tình dân gian cộng với động tác uyển chuyển mềm mại như đưa khán giả về với thế giới làng quê đầy no ấm, nồng nàn mùi lúa mới. Tất cả im lặng thưởng thức cho đến cuối bài và một tràng vỗ tay tán thưởng thật lớn vang lên khi những cô gái áo vàng nhoẻn miệng cười và cúi đầu chào.
Tiết mục xiếc của em Bảo Lam, một đồng hương Quảng Trị trẻ trung thu hút sự theo dõi của tất cả khán phòng. NH Đà Nẵng Lê Đình Trí tiếp tục chương trình với bài Qua cầu gió bay. Trước khi hát, Trí xin phép nhắc lại kỷ niệm năm 1973 vào học lớp 6 trường Nguyễn Hoàng ở trại 5 Non Nước, đi học phải mang theo cái đòn…Các chị: Bạch Hoa, Thanh Phương, Kim Phượng, Hải Táo, Phan Quỳ, Mai Đầm, Hải Duyên, Phương Tâm, Kim Liên, Lê Thị Hiền, Lê Lam, Trần Nga của nhóm Biển Hát Đông Hà đã thực sự làm chủ sân khấu qua phong cách biểu diễn đầy tự tin với tốp ca Đoàn lữ nhạc của Đỗ Nhuận. Không khí như sôi động lên với từng bước chân nhịp nhàng theo nhịp 2/4 của điệu Basodope dồn dập khiến bừng dậy sự tươi trẻ như muốn rắc khắp nơi vang vang khúc nhạc yêu đời.
* * *
Sau bốn tiết mục chào mừng, chương trình đi vào các phần:-Tuyên bố lý do - Mặc niệm - Giới thiệu thành phần tham dự - Chào mừng, tặng hoa quý thầy cô giáo - Phát biểu ý kiến - Liên hoan, giao lưu văn nghệ.
Trong phần Tuyên bố lý do, MC Quỳnh Thủy nói rõ vì sao Đà Nẵng chọn tháng 9 làm ngày hội ngộ và đặc biệt ngày 25/9/2018 sắp đến là kỷ niệm 460 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng đô khởi nghiệp ở Ái Tử (1558-2018), nên quý thầy cô và học sinh càng biết ơn Ngài, càng tự hào về người mở cõi mà trường ta vinh dự mang tên. Những giỏ hoa cẩm chướng màu hồng xinh xinh dành riêng tặng quý thầy cô giáo đã không quản đường xa và tuổi tác về cùng với các học trò năm xưa.
MC Quỳnh Thủy giao lại cho anh Trần Thanh Bình điều khiển chương trình văn nghệ. Tôi cũng bận rộn theo với các em phục vụ, với các vị khách đến trễ, với các cuộc gọi hỏi thăm buổi gặp mặt… nên không theo dõi hết các tiết mục. Chỉ được nghe thầy Nguyễn Đình Hạnh hát bài Ngậm ngùi, bài Thương về miền Trung. Thật bất ngờ trước chất giọng của thầy. Còn giọng ca của thầy Lý Văn Nghiên là tiếng hát vượt thời gian. Hôm nay thầy đem ‘Tiếng sông Hương’ thiết tha hòa cùng biển trời Đà Nẵng khiến tất cả đều xao xuyến. Thầy Nguyễn Văn Dòa làm thay đổi không khí bằng tiết mục ngâm thơ. Cô Tâm Thạnh hát bài Cho lần cuối ( Lê Uyên Phương): ‘Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu…’
Nhạc Lê Uyên Phương thường đau đớn, tuyệt vọng nên chấm dứt bằng câu: ‘Ngày mai ta không còn thấy nhau’. Nhưng cô Tâm Thạnh sửa lại: ‘Ngày mai ta sẽ còn thấy nhau’, thể hiện ước vọng của dân Nguyễn Hoàng lúc nào cũng muốn được hội ngộ, gặp gỡ, hàn huyên.
Đòan Đông Hà đóng góp chương trinh nhiều tiết mục sôi động như Vũ điệu cha cha cha (Summer night), tam ca Chỉ là giấc mơ và khi chị Kim Phượng hát bài Bésamé Mucho thì rất nhiều cặp ra sàn nhảy vì âm điệu Rhumba dìu dặt, uyển chuyển làm người ta không thể cưỡng lại được đôi chân chỉ muốn lướt theo, hòa nhịp cùng ca từ bài hát trứ danh này.
Đoàn Quảng Trị đăng ký 4 tiết mục, nhưng rồi chỉ có chị Ngọc Liên đơn ca bài Lá mùa xuân (Trịnh Công Sơn) vì không còn thời gian, vì chương trình văn nghệ quá phong phú. Đoàn Đà Nẵng chuẩn bị cho chương trình giao lưu nào đơn ca, tốp ca, nhưng rồi chỉ có anh Lê Thanh Hiền hát và anh Nguyễn Cung Nghi đơn ca Giọt nắng bên thềm và song ca với chị Hữu Minh thôi. Đến khi quý thầy cô và các đoàn bạn ra về, anh Trần Thanh Bình còn gom bàn lại và hát bài Tỉnh lẻ đêm buồn. Nhiều người còn muốn hát nữa nhưng vì ban nhạc phục vụ quá lâu nên tất cả đồng ý ngưng. Lúc đó là 2 giờ 15 chiều.
Như trong Thư mời chúng tôi đã nêu: ‘cùng nhau gặp mặt để nhớ ngày khai trường và thắt chặt tình cảm thầy trò, bạn hữu’ thì có lẽ buổi HỘI NGỘ NGUYỄN HOÀNG hôm nay đã phần nào đạt được mục đích đó. Sau buổi gặp mặt, có rất nhiều bạn như Nguyễn Khắc Phước, Hồ Sĩ Bình, Quỳnh Nga, Trần Kim Anh, Bảo Lâm… đưa tin, đăng ảnh và trên trang mạng nhiều thầy cô, bạn đồng môn đã chia sẻ, trình bày cảm xúc. Xin đơn cử một vài ý kiến tiêu biểu:
‘ Thật hoành tráng. Thầy tiếc vì đang dưỡng bệnh, nếu không thầy cũng tham dự’(Thầy Lê Hữu Thăng). ‘Em thay mặt các bạn gửi lời cám ơn đến Ban Tổ Chức và các anh chị bạn bè Đà Nẵng đã cho chúng em một cuộc gặp mặt giao lưu rất ân tình, vui vẻ’ ( Bạch Hoa - Đông Hà). ‘Em tưởng chỉ sơ sơ, ai ngờ Đà Nẵng tổ chức hoành tráng và thành công rứa’ ( Kim Ngọc - Quảng Trị) ‘Những tiết mục múa hát của Thầy trò Nguyễn Hoàng như xóa đi mọi khoảng cách về không gian và thời gian…Một ngày vui trọn vẹn tình nghĩa Nguyễn Hoàng, chia tay ai cũng bùi ngùi lưu luyến (Thụy Luyến - Huế).
Mặc dù nhận được nhiều lời khen nhưng dẫu sao Ban Liên Lạc Đà Nẵng cũng thấy còn vài điểm hạn chế, mong ước rằng những lần gặp mặt sau sẽ khắc phục để hoàn thiện hơn
Có được không khí đầm ấm và vui tươi, hào hứng đó là nhờ các đoàn Đông Hà, Quảng Trị, Huế đã hòa chung tình cảm với Đà Nẵng, Cảm ơn chị Lê Thị Dũng, anh Nguyễn Lớn (Quảng Trị) tuy không đi nhưng đã thông tin cho BLL Quảng Trị và liên lạc với Đà Nẵng trước cả tháng. Cảm ơn những lẵng hoa chúc mừng của các đoàn về dự cùng với lời ca, tiếng hát, vũ điệu mang vào cho buổi gặp mặt thêm phần tưng bừng, tươi trẻ. Cám ơn những điện thoại di động, bốn máy ảnh khẩu độ lớn của anh Bùi Ngọc Ngữ, anh Nguyễn Vỹ, anh Lê Đình Dũng và em Sim Sơn đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những phút giây rất đẹp của một ngày vui.
Riêng đoàn chủ nhà của chúng ta thì thầy Hồ Ngọc Thanh rất nhiệt tình liên hệ với quý thầy cô giáo và các ban Liên Lạc ngoại tỉnh. Theo sự phân công của anh Nam Anh, 16 nhóm trưởng đã gởi thư mời, gọi điện, nhắn tin nhắc nhở các thành viên nhóm mình căn cứ vào danh sách anh Nguyễn Khắc Phước cung cấp. Vì địa điểm họp thường xuyên của chúng ta là nhà hàng Faifo sắp đập để xây dựng lại nên anh Thanh Bình phải đi tìm địa chỉ mới, anh cho biết đến 5 chỗ mới tìm ra nhà hàng ưng ý này. Còn nhóm múa thì Bích Huệ, Trần Kim Anh, Đặng Kim Anh, Luân Lý, Quỳnh Nga và Trần Thị Quế tranh thủ thời gian để tập tành nhiều lần. Dâu Nguyễn Hoàng là Thu Nhi, rể Nguyễn Hoàng là anh Lê Đình Dũng cũng luôn sánh vai trong mọi công việc. Khi tôi khen hoa sứ thơm và tươi, Trần Kim Anh cho biết: ‘ Anh Dũng em sáng ni vô chùa Phổ Đà nhặt đó chị’
Để chấm dứt bài viết hơi dài này, tôi muốn nói rằng những phát biểu ý kiến của thầy Hồ Ngọc Thanh, thầy Lý Văn Nghiên, thầy Nguyễn Đình Hạnh, anh Hoàng Trạch Thạnh, anh Đoàn Tầm thật là sâu sắc và trong chúng ta, có lẽ ai cũng có suy nghĩ như thầy Nguyễn Đình Hạnh khi về gặp mặt: ‘…Hạnh phúc là khi được đứng ở đây. Sau bao nhiêu dâu bể của cuộc đời, chúng ta đã tìm đến nhau. Đó là đặc trưng cơ bản của trường Nguyễn Hoàng. Chình từ những nỗi đau đã đem chúng ta lại với nhau…’
Hy vọng rằng chúng ta mãi mãi tìm về với Nguyễn Hoàng trong mọi thời gian và không gian giữa cuộc đời này.
Đà Nẵng 25/9/2018

Lê Thị Ba





































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét