CÔ KIM SA Lê Văn Trạch
Cô Trương thị Kim
Sa sinh quán tại Huế, năm 21 tuổi, đến Trường Nguyễn Hoàng và chỉ một niên
khóa, Cô trở lại quê dạy Trường Kiểu Mẫu . Hình như Cô là vị nữ Giáo sư tốt
nghiệp Đại Học Sư Phạm Toán đầu tiên của Trường Nguyễn Hoàng, do vậy khi đáo nhận
nhiệm sở, Cô được phân công phụ trách dạy Toán lớp Đệ Nhị của tất cả các ban.
Tiểu sử của Cô chỉ có thế, thoắt đến, thoắt đi, không để lại dấu ấn cụ thể nào
cho Trường cũ, theo dõi sách báo Nguyễn Hoàng xuất bản 10 năm trở lại đây,
không thấy nhắc đến tên Cô, có thể nói Cô là một Giáo sư ít được biết và nhớ !
Cô phụ trách lớp
chúng tôi mỗi tuần chỉ có một giờ, thời điểm đó lại bãi khóa liên miên, nên cộng
lại cả năm học chẳng có là bao, bởi thế vài bạn "quậy" trong lớp ví
von rằng môn Toán đối với Ban C chúng ta cứ như là một loại "mỹ phẩ" trang điểm cho cuộc đời học trò...
Vào một ngày trong
tuần lễ đầu tiên của năm học 1964 - 1965, sau khi chúng tôi đã vào chỗ, từ cửa
chính, một Cô Giáo rất trẻ, trong chiếc áo dài lửng màu tím nhạt, mang kiếng trắng
nhẹ nhàng bước vào . Sau khi bỏ chiếc cặp trên bàn, Cô nhìn xuống, có thể để
chuẩn bị cất lời chào, cùng lúc ấy, từ cuối lớp nhiều tiếng cười nổi lên rồi
lan rộng ra. Cô bình thản hỏi: Các Anh Chị cười xong chưa? Người nào cười giỏi
nhất lên đây cười thi với Cô. Cả lớp đột nhiên im phăng phắc và từ đó không bao
giờ có tình trạng như thế xảy ra nữa. Tôi chăm chú nhìn Cô, hình như sau vóc
dáng mảnh khảnh trẻ trung của một Cô Giáo mới ra trường, đang tiềm ẩn phong
thái an nhiên tự tại đầy ắp bản lãnh và sự tự tin!?
Ngày tháng sau đó
là những giờ học nghiêm túc, mặc dầu thời khóa khiêm tốn, nhưng Cô có cách để
chúng tôi hiểu được bài học, thông cảm và rất thương học trò, chả thế mà có lần
Nguyễn Ngọc Hùng trong kỳ thi Lục cá nguyệt, thay vì làm toán, anh lại làm thơ,
Cô vẫn cho điểm trung bình.
Rời Trường, lăn lộn
với cuộc đời, thường xuyên đối mặt bao điều bất trắc, ít có lúc nghĩ đến những
ngày tháng trên sân trường, bạn học mỗi người một ngả, chỉ thoáng gặp nơi nào
đó, không có thì giờ và điều kiện để nhắc nhở tâm sự.
Sau cuộc chiến,
chính những lúc ở trong trại giam, đầu óc mới rảnh rỗi, tự do để nhớ ra và tìm
lại những chuyện đã qua, khi ý tưởng dừng lại ở Trường xưa, ngoài khuôn mặt của
một số bạn thân tình, lạ thay bóng dáng Cô Kim Sa lại xuất hiện, vẫn vóc dáng và
phong cách ấy . Ngoài kia, mọi người đang khốn khó, lo lắng đủ điều, Cô Giáo
mình sống ra sao, tự nhiên tôi nghĩ dù ở trong môi trường nào, Cô cũng có cách
sống riêng, biết cách xoay sở để hòa nhập ...bỗng dưng trong tôi hình thành một
tâm nguyện: Như thế nào đó để một lần được gặp Cô.
Ý nguyện này càng
lớn mạnh khi ra nước ngoài: Trong những lần hội ngộ hay qua sách báo, có dịp là
hỏi : Cô đang ở đâu ? Trong hay ngoài nước, nhưng không có câu trả lời . Mãi
cho đến năm 2009, có người mách bảo đã thấy Cô ở Houston trong Lễ Hội Quan Âm tại
chùa Việt Nam và hình như Cô đang làm phật sự tại đây, nhưng khi liên lạc được
với chùa thì Cô không còn ở đây nữa!
Cuộc tìm kiếm tiếp
tục, lần này tôi nhờ Quý Thầy sinh hoạt trong Hội Quốc Học Đồng Khánh và Quý Cô
Giáo Nguyễn Hoàng, cuối cùng Cô Phan thị Lan, người dạy tôi những năm Đệ Lục, Đệ
Ngũ đã cho số điện thoại ...
Một ngày giữa năm
2010, vừa bấm số, tay vừa run với nhiều cảm giác xen lẫn, bởi vì biết mình sắp
có phút giây đặc biệt, điểm đến của ước nguyện . Lời đầu tiên, chưa kịp chào,
tôi buột miệng: "Thưa Cô, em tìm Cô bao nhiêu năm nay" . Cô ngạc
nhiên, im lặng, nghe trình bày...
Mười mấy năm dạy học,
với hàng ngàn học trò ... nhưng khi nghe nhắc đến những sự kiện, những khuôn mặt
ngỗ nghịch trong một lớp chỉ có ba mươi mấy học sinh, với mấy mươi giờ phụ
trách làm cô xúc động!
Lần tiếp xúc đầu
tiên ấy đã khai mở cho quan hệ thân tình sau này, những lúc rảnh rỗi hay đang dừng
chân ở một sân bay nào đó, Cô lại gọi. Cô bảo là ít khi nói chuyện với ai lâu,
nhưng với Em, lắm lúc lại sa đà vào câu chuyện và chia sẻ nhiều điều mà không
phải với ai Cô cũng bày tỏ. Dần dần những băn khoăn của tôi được sáng tỏ: hình
như Cô đã vạch ra cho mình những tiêu chí về cuộc sống, cân nhắc hình thành một
phương trình, cứ theo đó mà đi trên căn bản nhân sinh quan, lấy đạo lý nhân bản
và chủ quyền làm trọng, bởi thế khi thấy cuộc đời manh nha chuyển qua giai đoạn
" chênh vênh, khập khiễng " Cô đã quyết định làm Người Mẹ độc thân và
mang hai đứa con còn rất nhỏ vượt biên, đó là động thái có tính cách đánh đổi để
có được sự tự do trong cuộc sống và cũng là thái độ bảo vệ nét đặc thù của mình
mặc dầu Cô phải trải qua thời gian dài gặp muôn vàn khó khăn để hội nhập . Cũng
từ đó, Cô chú tâm nghiên cứu và tu tập Phật Pháp, lấy giáo lý Đạo Phật để chiêm
nghiệm và đối chiếu với cuộc đời của mình và ngộ ra một điều: Những oan trái gặp
phải là những điều phải đến trong một kiếp người bởi đó là một chuỗi diễn tiến
của Nghiệp lực và Nhân quả, phải biết nhận diện khổ đau, xuyên qua nó để có những
phút giây an lạc trong giờ phút hiện tại, luôn phải tỉnh thức để có chánh niệm. Cô chia sẻ năng lượng ấy cho những người chung quanh bằng những việc làm thiết
thực, dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện hoặc tâm tình với Quý Thầy Cô
Giáo cũ của Cô, tuổi già đang cần tâm sự, chia sẻ. Cô kể rằng có vị Thầy rất mê
đá banh, nên phải tìm hiểu qua tài liệu và bạn bè để có thể tường trình World
Cup cho Thầy nghe.
Cô đang có cuộc sống
thật bình dị tại thành phố biển, miền Nam nước Mỹ để chăm sóc cháu và chăm sóc
Thân Tâm mình, lý giải cho cuộc tiếp xúc này, Cô nửa đùa nửa thật: Có lẽ ở một
kiếp nào đó Cô - Trò ta đã quen biết, những giờ phút ngắn ngủi ở Trường Nguyễn
Hoàng là tín hiệu để sau này nhận diện khi đủ duyên, tâm nguyện của Em được
hình thành bởi khi Em khởi điều ấy ra với cả tấm lòng thiết tha thì cũng như đã
tạo một nhân lành để hôm nay gặt quả tốt ... Tôi kiểm chứng và đối chiếu với bản
thân: Điều này cũng đã xảy ra với một Cô Giáo Đệ Nhất Cấp và một phụ nữ khác -
vợ người bạn tù - ngày trước là Giáo Viên, đã xin đi kinh tế mới gần trại giam
và tình nguyện chăn bò để thỉnh thoảng nhìn thấy chồng hoặc tiếp tế khoai sắn
cho chúng tôi. Tôi đã tìm gặp, ở một tiểu bang xa xôi miền Đông nước Mỹ.
Chưa có dịp được gặp,
những lúc có điều gì vui Cô lại gọi, đó là thời điểm thật an lạc, cuộc đối thoại
thật tự nhiên, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề, Cô nói đó là những bổ sung nhận
thức.
Trên bục giảng,
Quý Thầy Cô đã trao truyền cho chúng ta kiến thức cần thiết như là hành trang
vào đời, nhưng có những điều không ghi trong bài học, tùy mỗi người cảm nhận, bắt
gặp và giữ lấy từ phong thái và cách ứng xử của Thầy Cô nào đó, không hẳn vị ấy
là Giáo sư Cố vấn hay dạy những môn chính. Tôi trình bày điều này với vị Thầy dạy
Đệ Lục với ngôn ngữ thực tế rằng: Em đã "học lóm" ở Thầy nhiều điều
bổ ích khi ứng phó với những rắc rối gặp phải. Chữ nghĩa thu thập được ở nhà trường
đã tiêu hóa, hòa tan trong bể tích lũy kiến thức, không thể nhận biết, nhưng bản
tính và phong cách của Quý Thầy Cô đôi khi hiện ra rất rõ và có ảnh hưởng, tác
động nhất định.
Xin cám ơn Cô Kim
Sa về cuộc trùng phùng với những trao đổi
bổ ích, bước chân Cô đã trải trên những "dặm dài nhân thế" đầy
cay đắng và bất trắc, nhưng bằng nghị lực và niềm tin Tôn giáo, Cô đã đi qua một
cách bình thản mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Đó là món quà thiết
thực quý báu Em nhận được sau bao năm băn khoăn, thắc mắc tìm kiếm, giờ đây
lòng Em thật thanh thản.
Một lời - có thể
là thừa - nhưng Em xin Cầu nguyện Cô có được tất cả sự Bình An trong những ngày
cuối đời.
Memphis TN, tháng 9/2015
Học trò Lê Văn Trạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét