Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

ĐÀ NẴNG DU KÝ (Phần I) - HOÀNG ĐẰNG

  Đôi mắt Trời cho của tôi cứ mờ dần. Do tuổi già và do phung phí. Tôi nhập bệnh viện trung ương Huế từ 02/4/2013 để mổ đục thủy tinh thể. Khổ! Cứ sợ “bói ra ma, quét nhà ra rác”, lâu ngày không đi khám sức khỏe. Bây giờ Khoa Mắt phát hiện bệnh tiểu đường.
Trong lúc chờ điều trị giảm đường trong máu, chiều ngày 06/4/2013, ba anh em kết nghĩa: bác Nguyễn Văn Thị, chú Đỗ Tư Nhơn, chú Nguyễn Văn Nuôi vào thăm. Sự xuất hiện của bác Thị gây nhiều ngạc nhiên và cảm động. Lâu lắm rồi, bác không đi đâu vì bác đang mang trong người nhiều bệnh của tuổi già (năm nay 81 tuổi) và phải luôn có mặt để chăm sóc bác gái liệt giường  mà mọi thứ sinh hoạt phải có người phục vụ. “Xưa trốn quân trường về thăm vợ đẻ. Nay chực cạnh giường để lau khu ẻ”. Đó là câu đối bác làm để đọc cho khuây khỏa.
Trong trò chuyện ở bệnh viện, bác không quên dặn:
- Gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng mời eng tam mình vào chơi, chú mi cố điều trị làm răng về cho kịp chuyến đi.

Đã học và dạy ở trường Nguyễn Hoàng, ai mà không thương kính thầy Nguyễn Văn Thị! Người trông dáng như Bụt, tận tụy với công việc, cư xử tốt với đồng nghiệp và môn sinh.
Đặc biệt là gia đình Nguyễn Hoàng ở Đà Nẵng, trong tim họ, hình ảnh “thầy Thị” luôn có mặt: điểm mà họ chú ý nhất là một vị thầy trung thành, chung thủy với trường Nguyễn Hoàng. Chính vì vậy mà họ khẩn thiết mời thầy vào Đà Nẵng tham quan, xem như một dịp để tôn vinh thầy.
Chuyến đi ấn định khởi hành vào sáng 27/4/2013 và trở về chiều 28/4/2013. Trong thời gian chờ đợi, cứ vài ba ngày, thầy điện thoại hỏi thăm sức khỏe mấy đứa em và nhắc nhở ngày giờ lên đường.
Thầy còn đi khám sức khỏe xem thử có thể chịu đựng nổi chuyến đi hay không. Tiến sĩ bác sĩ Lê Thu Trang, trưởng khoa cấp cứu & hồi sức bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho bác biết: về tim, đi được nhưng về u xơ tuyến tiền liệt, có thể tắc nghẽn gây bí tiểu; còn theo bác sĩ chuyên khoa cấp II ngoại khoa Trương Xuân Nhuận, trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đồng thời là con rể thầy, thầy đi được, không có vấn đề gì đáng lo.
Trong gia đình, các con không muốn cho thầy đi; còn cô thì không có ý kiến – có lẽ cô biết tính thầy rồi, chỉ tham quan phong cảnh và giao lưu với học trò và đồng nghiệp cũ thôi chứ “việc chơi” ... khỏi lo; tiêu chuẩn gia nhập nhóm G8 mà thầy thành lập năm 2008 là không còn mần mạn chi được nữa mà!
Thầy quyết định đi và chuẩn bị: sang tấm ảnh chụp họp mặt nhóm G8 2013 ra khổ lớn lồng khung làm quà tặng cho gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng, mua bánh kẹo trái cây nước uống dùng cho cả mấy anh em đi đường, mua trái cây làm lễ vật thắp hương cho thầy Thái Mộng Hùng, vị hiệu trưởng lâu năm trường Nguyễn Hoàng xưa.



Gia đình Nguyễn Hoàng - Đà Nẵng tiếp huynh đệ kết nghĩa Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
khi vừa tới Đà Nẵng tại nhà anh Hoàng Trạch Thạnh
(Ảnh của Lê Văn Thái)

Thầy Nguyễn Văn Thị đến dạy trường Nguyễn Hoàng vào năm học 1955 – 1956 lúc trường còn tạm bợ nằm gần bờ sông đối diện với đình Thạch Hãn. Thầy Thái Mộng Hùng dạy trường Nguyễn Hoàng lúc trường mới mở (1951). Thầy Thái Mộng Hùng hơn thầy Nguyễn Văn Thị 5 tuổi (thầy Hùng sinh năm 1928 – tuổi Mậu Thìn; thầy Thị sinh năm 1933 – tuổi Quý Dậu). Thuở đó, trường còn ít lớp, ít thầy; hai thầy xem nhau như anh em. Sau đó, thầy Hùng lên hiệu trưởng, thầy Thị đứng lớp. Nhờ kiến thức tương đối rộng về nhiều mặt với thêm sự cẩn trọng, óc khoa học trong công việc, thầy Thị  thường được thầy Hùng khen ngợi, biểu dương. Thầy Thị chuyên dạy toán, nhưng tiếng Pháp, tiếng Anh vững vàng  (thầy học chương trình primaire thời còn Pháp đô hộ), văn chương lưu loát (người viết có hân hạnh đọc những bức thư tình của thầy). Có lẽ tình cảm giữa 2  thầy đã góp một phần vào việc giữ chân thầy Thị với trường Nguyễn Hoàng, với dân Quảng Trị cho đến trọn nghiệp.
Tình cảm ấy còn tiếp nối bền chặt khi hai thầy rời trường, rời lớp. Sau năm 1975, thầy Hùng chuyển qua kinh doanh mua bán lắp ráp xe đạp. Cô Hoàng Thanh Tâm, phu nhân của thầy, quen thân với nhà buôn Võ Thanh Khiết lúc còn ở Quảng Trị. Khi định cư ở Đà Nẵng, nhà buôn này đã gợi ý mời gia đình thầy cộng tác trong việc mưu sinh. Còn thầy Thị kiếm được chân thư ký ở hợp tác xã ô tô Quảng Trị. Nhờ “ô dù”, chứ không phải tự nhiên mà có. Anh Hoàng Ngọc Ngôn, học trò cũ của thầy, có anh em đang quản lý hợp tác xã vận tải, thấy thầy thất nghiệp, đem lòng thương, tiến cử. Tình cờ, trời xui đất khiến trong đời hai thầy làm chung một nghề - nghề chuyên chở. Ngày trước, dạy học là chuyên chở đạo lý, kiến thức; giờ đây, hoạt động trong lãnh vực xe đạp, ô-tô là chuyên chở - chuyên chở người, hàng hóa, vật liệu ...
Sau 1975, hai thầy có dịp là tìm thăm nhau. Đi Đà Nẵng, thầy Thị ghé thăm gia đình thầy Hùng; ra Quảng Trị, thầy Hùng ghé thăm gia đình thầy Thị; đặc biệt ở lễ cưới Nguyễn Lê Thu Huyên, con gái út của thầy Thị, thầy Hùng ra dự và được mời đóng vai đốt nến cầu nguyện hạnh phúc cho hai cháu – một vai trò rất quan trọng và cần hội đủ nhiều tiêu chuẩn: ông bà song toàn, đối nhân xử thế đạo đức, con cháu hiếu thảo ...
Tuy nhiên, vào tuổi xế chiều, khó khăn chồng chất lên vai hai thầy. Phu nhân thầy Hùng bị chứng nan y, thầy phải chăm sóc cô trên bước đường tìm phương cứu chữa; phu nhân thầy Thị mù mắt, thầy phải ngày đêm quanh quẩn trong nhà bên cạnh người thương yêu. Bệnh tim của thầy phát nặng. Năm 2001, bệnh viện trung ương Huế đã lên lịch mổ. Thời ấy, kỹ thuật mổ tim ở Việt Nam mới ở bước đầu.  Xác suất rủi ro còn cao. Hôm ấy, ba người sẽ được mổ, theo thứ tự trong danh sách, thầy Thị xếp thứ ba ; hai người mổ trước chết, nên đến phiên thầy, hội đồng phẫu thuật ngưng. May ơi là may, không thì có thể năm nay đã đến lần kỵ thứ 12 của thầy.
Còn thầy Hùng, “họa vô đơn chí”, phu nhân thầy mất 2004, con trai đầu mất 2005 và thầy mất đầu năm 2007. Những lần ấy, vì sức khỏe, thầy Thị không đi Đà Nẵng được mà chỉ vọng bái người quá cố và gởi lời phân ưu đến thân nhân. Thầy cứ cảm thấy như mình có một điều gì trong đời chưa hoàn thành.
Năm nay, sức khỏe có tốt hơn, lại nhận được lời mời của gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng qua anh Hoàng Trạch Thạnh, thầy phấn khởi lên đường, đinh ninh trong đầu phải đến thắp hương tại nhà và viếng mộ thầy Hùng.

Gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng đã sắp xếp chu đáo cho anh em kết nghĩa Quảng Trị viếng thầy Thái Mộng Hùng trong chuyến tham quan Đà Nẵng hai ngày 27 và 28/4/2013.
Sau khi đặt chân đến Đà Nẵng được ít phút vào trưa ngày 27/4/2013, chúng tôi đã được anh Hoàng Trạch Thạnh và một số anh hướng dẫn đến nhà Thái Hoàng Nam, con trai thầy Hùng, thắp hương thầy cô. Ngôi nhà trệt thuở thầy cô còn tại thế đã được thay bằng ngôi nhà cao tầng. Mừng thay! 

Vài thầy và học sinh cũ trong gia đình Nguyễn Hoàng Đà Nẵng đã có mặt. Vợ chồng anh Thái Hoàng Nam và chị Thái Thanh Thủy, con trai, con dâu và con gái thầy, chào đón chúng tôi, môi nở nụ cười thân thiện và hiếu khách. Bàn thờ gồm 2 phần: trước là bàn dựng tượng Phật Bà; sau là bàn thờ gia tiên;  trên bàn thờ gia tiên, di ảnh sắp thành 2 cấp: ở cấp trên, di ảnh cụ ông cụ bà Thái Tăng Liên, song thân của thầy và di ảnh cụ ông cụ bà Hoàng Gia, thân sinh của cô; ở cấp thấp, di ảnh thầy và cô. Thầy Thị đốt hương vừa vái vừa khấn – lời khấn thì thầm không nghe rõ; có lẽ đó là những tâm tình của thầy Thị đối với thầy Hùng sau một thời gian dài xa cách. Tiếp theo đến phiên 3 anh em kết nghĩa: Đằng, Nhơn, Nuôi vào vái.
Buổi chiều, đúng vào lúc 14 giờ, anh Trương Công, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng - xin mở ngoặc thân thương, anh Công là con cụ Trương Kế từ Quảng Nam ra Quảng Trị mở lò ngói kinh doanh từ những năm đầu của thập kỷ 1950 - đem xe ô tô nhà lái 4 anh em kết nghĩa đi viếng mộ. Đoàn đi viếng mộ gồm 2 xe: xe thứ nhất của Thái Hoàng Phong, con trai thầy, chở anh Hoàng Trạch Thạnh và thầy Thị chạy trước dẫn đường; xe thứ hai của anh Trương Công chở Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Nuôi và Hoàng Đằng. Xe chạy về hướng nam theo con đường nhựa xuyên qua căn cứ quân sự Hòa Long mà ngày xưa Mỹ sau khi rút về nước để lại cho dân tỵ nạn Quảng Trị tạm trú vào năm 1972 và là nơi trường Nguyễn Hoàng đặt cơ sở từ năm 1972 – 1974. Không còn dấu tích gì để định vị. Chỉ có lâu đài, biệt thự ... và những khu đất trống rộng có tường xây bao hay hàng rào che chắn – chắc đã được đưa vào quy hoạch. Hai bên đường là vỉa hè lát gạch, đây đó chen những thảm cỏ, vườn hoa được chăm sóc cẩn thận sạch sẽ. Thành phố Đà Nẵng nhìn “đâu ra đó”, hèn chi lãnh đạo Đà Nẵng - trước đây đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh - luôn nhận được khen ngợi từ trong nước cũng như từ nước ngoài. Ở thành phố này, dân cũng đông -  khoảng một triệu - cộng thêm lượng không nhỏ khách vãng lai, thế mà không thấy có nạn kẹt xe. Nhờ tầm nhìn của lãnh đạo trong quy hoạch: đường rộng, thoáng và nhiều, cầu  qua sông Hàn cũng tương đối dày và cầu nào cũng có từ 4 làn xe trở lên.

Nghĩa địa - nơi mộ thầy Hùng tọa lạc - khá xa, nằm mãi trong địa phận xã Điện Nam, huyện Điện Bàn. Một vùng đất cát bằng phẳng, cằn cỗi, cỏ mọc lưa thưa héo úa. Mộ sát mộ, không một bóng cây dù lớn dù nhỏ; giữa cái nắng nóng mùa hè, trông quá khô khốc. Trong óc tôi, một giả thiết nảy ra: Giá như nơi yên nghỉ của người chết cũng được quy hoạch như nơi ăn ở của người sống thì lãnh đạo Đà Nẵng còn nhận được nhiều lời khen hơn. Ước gì nghĩa địa chia thành những ô bàn cờ, có lối đi đủ rộng ô tô tải nhỏ chở vật liệu vào được, tạo thuận tiện cho việc xây dựng mộ, hai bên lối đi có trồng cây tạo bóng mát, đây đó đan xen vườn hoa! Nghĩa địa, ngoài chức năng chôn người chết, biến thành khu du lịch, thế thì đẹp biết mấy! Đẹp cho người chết và đẹp cho người sống.

Mộ thầy Hùng xây dựng không cầu kỳ. Cách kiến trúc thể hiện tính của thầy lúc sinh tiền: hòa đồng, đơn sơ. Theo lời anh Hoàng Trạch Thạnh, thầy an nghỉ trong khu mộ của nhiều vị cao đời có chức tước, nên muốn xây hoành tráng hơn cũng không được và không phải đạo. Phần mộ chia ra hai phần: bên trái thầy nằm, bên phải có xây ô dành cho cô – thi hài cô đang được chôn ở nơi khác. Mộ thầy sụt, do quan tài hủy mục, đổ thêm vài trạc đất là đẹp. Nghe nói chưa đổ và chưa đưa cô về cạnh thầy được vì thầy bói phán: chưa đến lúc! Mong sao cái lúc ấy sớm đến để thầy cô bên nhau, đúng với ý nghĩa lời người xưa: “Sống gởi nạc, thác gởi xương”.

Trước mộ Thầy Thái Mộng Hùng

Trước mộ, dựng lên  một nhà bia thay cho bình phong. Bia ghi đơn sơ. Thầy giáo Thái Mộng Hùng, nghĩa là chỉ nghề nghiệp, cùng ngày sinh, ngày mất kèm di ảnh chứ không ghi chức tước gì. Phía sau phần mộ là một bức tường có ghi 2 cặp câu đối nôm, trên viết quốc ngữ, dưới viết kèm chữ nôm:
Cặp 1: Cam Lộ lập thân đào tạo môn sinh lớp lớp.
            Điện Nam yên nghỉ lưu danh con cháu đời đời.
Cặp 2: Môn đệ tri ân công đức trọng.
            Tử tôn tạc dạ nghĩa tình thâm.
Thầy thông và rành đối, trướng, thơ, văn; chắc thầy mỉm cười với 2 cặp đối mà người đời viết tôn vinh mình ở trên.

Vậy là phần quan trọng của chuyến đi anh em kết nghĩa chúng tôi đã hoàn thành. Thời gian còn lại vi vu thỏa thích, xe dưa chúng tôi trở lại trèo núi Sơn Trà thăm chùa Linh Ứng. Công trình vừa có tính mỹ thuật vừa có tính đồ sộ. Tiếc là trời quá nắng và nóng, biển tỏa hơi mát không đủ khỏa lấp; đôi mắt mới mổ của tôi lọt mồ hôi vào ... nhức nhức, tôi cứ sợ rủi ro tai biến, bị mù thì nguy, tôi bước lững thững. Lạy Phật, tôi không muốn vào điện, không muốn xem gì nữa. Còn thầy Thị bước đi mà hai cánh tay xếp sát vào người như gà xếp cánh; thầy mệt lắm rồi, nhưng cũng “mần trạng”. Nếu ai hỏi mệt không, thầy uể oải trả lời còn khỏe.
Mặt trời đã lặn ở đỉnh núi. Trên đường về, anh Trương Công lái đưa chúng tôi tham quan cầu treo Thuận Phước – cây cầu treo dài nhất Việt Nam. Xe anh Thái Hoàng Phong chạy trước mất dạng. Không sao! Anh Công sống lâu năm ở Đà Nẵng, lo chi lạc đường!
Mà đúng vậy, bữa cơm tối nay nghe nói do nhóm Hà Bích Hường mời. Xe về đến nhà hàng, thấy mọi người đã sẵn sàng, bàn ăn đầy thức ăn và thức uống ngon bổ. Nâng cốc, cụng ly chúc nhau: Good appetite! Bon appétit!
...
Hoàng Đằng
03/5/2013
(24/3/Quý Tỵ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét