Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

ĐÀ NẴNG DU KÝ (Phần II) - HOÀNG ĐẰNG

Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng có nhiều thế hệ, nhưng đúng như lời thầy Hồ Ngọc Thanh nói, thế hệ trước và thế hệ sau thương kính nhau, kết thành một khối bền chặt. Hồi trưa, 4 anh em kết nghĩa Quảng Trị được các anh lớn tuổi chiêu đãi. Các anh ngoài 70 rồi mà vẫn linh hoạt, vui vẻ, khỏe khoắn, đặc biệt anh Hoàng Trạch Thạnh - cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1954 – 1958 - với bước đi dài và mạnh, tiếng nói sang sảng, rõ ràng, môi luôn nở nụ cười vừa duyên dáng vừa hiền từ. Các bạn biết anh mấy tuổi rồi không? U 80 rồi đó – anh tuổi Bính Tý, sinh năm 1936.

Còn tối nay, nghe nói các anh chị em Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng trẻ hơn mời chúng tôi. Trong bữa ăn, thực khách trẻ có, già có, điểm thêm mấy bông hoa khoe màu: Hà Bích Hường, Lê Thu Ba, Phan Quỳnh Thủy và đặc biệt cô bé U60 nhí nhảnh Võ thị Quỳnh - tổng biên tập báo Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung & Kỷ niệm - từ Huế vào. Võ thị Quỳnh vào họp bạn lớp 12 Phan Chu Trinh cũ, tình cờ trúng dịp. Nói dzậy thì cứ tin dzậy. Võ thị Quỳnh là tổng biên tập kiêm phóng viên xông xáo trong việc săn tin; ở đâu có “sự kiện” Nguyễn Hoàng, ở đó ít khi thiếu bóng Võ thị Quỳnh với cái máy ảnh đưa lên hạ xuống, rà qua rà lại. Võ thị Quỳnh khoe Trường Nguyễn Hoàng: Chân dung & Kỷ niệm số 10 sẽ ra 2 tập: 10a và 10b. Hiện 2000 trang đã biên tập xong; rứa mà gặp ai cũng trách: sao không viết bài và nài nỉ: viết thêm bài đi. Như thử giấy Việt Nam sản xuất ra và nhập khẩu về chỉ để in báo của Võ thị Quỳnh.

Một phần hình ảnh bữa ăn tối 27/4/2013
giữa gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng
và anh em kết nghĩa Quảng Trị
Tôi hiện nay làm nghề viết báo; báo nào? Xin thưa: Các báo liên quan đến trường Nguyễn Hoàng. Lê Thu Ba trong ban biên tập Tình Quê ghé tai hỏi nhỏ: Thầy đã viết gì cho Tình Quê chưa? Gấp chi Thu Ba ơi! Đến Tết Giáp Ngọ (2014) Tình Quê mới phát hành mà!

À này, nếu không nghĩ ra đề tài gì mới, Đà Nẵng Du Ký này lên trang cũng được nhé!

Bữa cơm trưa và bữa cơm tối đều ngon, chỉ khác trưa thì cơm nấu trong nồi, đơm ra dĩa, còn tối thì cơm nấu trong niêu, bưng ra cả niêu, mỗi niêu dành cho một người ăn. Tôi thắc mắc trong bụng: nấu từng niêu, mất nhiều thời gian, làm sao phục vụ kịp cho khách. Té ra không phải! Gạo đổ vào nhiều niêu, đưa vào lò điện; nấu một mẻ có thể cả mấy trăm niêu. Cơm trong niêu, chín, khô, ai có bộ răng vững và tốt thì nhai chầm chậm ... ngon. Nhưng váng lớp cháy hơi cứng, người già không răng, hay răng còn ít, cứ nuốt “đại”, e không tốt cho bộ phận tiêu hóa. Hạnh phúc nhân lên khi chúng tôi nhận thêm những gói quà từ những bàn tay ấm tình nồng nghĩa. Cảm ơn các anh chị em đã cho chúng tôi những bữa ăn trong ngày ngon miệng với bầu khí ấm cúng, chan chứa nghĩa tình.
 
Một phần hình buổi gặp gỡ ăn sáng 28/4/2013
     giữa anh em kết nghĩa Quảng Trị
và gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng 
Xe anh Trương Công đưa chúng tôi dạo Đà Nẵng ban tối. Anh Hoàng Trạch Thạnh cùng đi, thuyết minh như một hướng dẫn viên du lịch. Xe qua cầu Trần thị Lý, cầu quay Sông Hàn và cầu Rồng. Xe chạy dọc bờ sông theo đường Bạch Đằng. Xe chạy qua phố xá. Đà Nẵng đêm về lung linh ánh điện nhiều màu. Người dạo phố, người  hóng mát, người đi thể dục đông. Tuy vậy, người đi đường vẫn thấy thoáng. Anh Hoàng Trạch Thạnh có ý đưa chúng tôi ra bãi biển Mỹ Khê, nhìn biển ban đêm. Những con tàu ngoài khơi nhấp nháy đèn, những đợt sóng vỗ rì rầm, những sinh hoạt của con người trong bóng tối lờ mờ. Nhưng thầy Thị - giờ này mới nói thiệt – muốn về ngủ đi thôi vì quá mệt mỏi.

Hoàng Đằng đang phát biểu cảm ơn
NH-ĐN tại bữa ăn sáng 28/4/2007
Xe đưa chúng tôi về khách sạn Mai Lê Quỳnh. Cũng nằm trong vùng bãi biển Mỹ Khê. Khách sạn này của con anh Lê Văn Thái, cựu học sinh Nguyễn Hoàng khóa 1955 – 1961. Hai người lễ tân: một nam, một nữ đón tiếp chu đáo: chỉ phòng, giao khóa. Con gái anh Thái niềm nở: “Chào các bác! Các bác là thầy dạy ba cháu đây hà!”. Bốn chúng tôi cười đáp lễ, ngật đầu “đại”; thực tế chỉ có thầy Thị là thầy anh Thái còn 3 chúng tôi là đàn em – đàn em về khóa học và đàn em về tuổi tác (anh Thái tuổi Canh Thìn, sinh năm 1940). Anh Thái quê gốc làng Cu Hoan, huyện Hải Lăng. Anh chị may mắn gặp cơ duyên đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Nhờ đất lành đãi khách, nhờ tài xoay xở, trí khôn ngoan và óc sáng kiến trong mưu sinh, gia đình anh nay rất thành đạt. Anh là một trong những người có mặt đầu tiên đón tiếp chúng tôi hồi trưa.

Phòng ngủ 401 kê 2 giường đôi, có trang bị một tủ áo, một tủ lạnh, một bàn tiếp khách và máy điều hòa nhiệt độ; phòng toilet khép kín. Tiện nghi đầy đủ. Tối nay, bên ngoài, tiết trời quá nóng, máy điều hòa không kịp thời làm tròn chức năng, một máy quạt đứng tăng cường thêm. Tắm rửa xong, chúng tôi lên giường. Chẳng bao lâu, tiếng ngáy đều nhẹ nhàng trỗi lên như một bản hòa âm nhiều cung bậc. Chúng tôi đã ngon giấc qua đêm.

Năm giờ sáng ngày 28/4/2013, thức dậy, thầy Nguyễn Văn Thị ở lại phòng; Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Nuôi và Hoàng Đằng đi bộ ra biển. Đường cũng khá xa, đi và về mất một giờ. Hai bên đường, nhà cửa chưa dày; quỹ đất Đà Nẵng còn nhiều, hèn chi nhiều đại gia ở Quảng Trị đã vào đây mua đất, mua nhà xây dựng cơ ngơi cho hậu duệ . Mặt trời chưa ló, người ở bãi biển đã đông; trên cát, người đi kẻ lại, dưới nước, người tắm lúc nhúc. Dân thành phố đã đi vào giai đoạn hưởng thụ, chất lượng cuộc sống đã cao.

6,30 giờ, anh Trương Công lái xe đến, đón đưa chúng tôi đến một nhà hàng hạng sang. Hôm nay, bận việc riêng, anh Công lái xe về. Tình cảm quá, nhiệt tình quá, anh Công ơi! Biết nói gì hơn, xin cảm ơn và chúc anh cùng gia đình vui khỏe, may mắn trên đường đời. Một dãy bàn kê dài bên hông nhà hàng dưới bóng cây che nắng. Gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng đã có mặt ở đây khá đông. Thầy cô giáo, cựu học sinh đủ thế hệ. Đây là buổi gặp gỡ định kỳ hàng tháng tạo dịp để anh chị em thăm hỏi chúng tôi và chúng tôi thăm hỏi anh chị em. Bữa ăn sáng tự chọn, ai muốn uống gì, ăn gì cứ gọi, chi phí đã có người đăng ký lo. Thức ăn có bún, phở, miến, mì, bò lúc-lắc, bò ra-gu. Thức uống có cà-phê các loại, sữa các loại, trà các loại. Người đến tham dự đông dần, xen kẽ ngồi vào giữa những người đến trước khiến đội ngũ tiếp viên bối rối, làm việc không xuể. Tiếng chào hỏi, tiếng chuyện trò râm ran.

Dịp này anh Thái Tăng Phương, cựu học sinh Nguyễn Hoàng khóa 1956 – 1964, gợi ý Nguyễn Hoàng – Quảng Trị nên tổ chức mừng thọ cho thầy Nguyễn Văn Thị theo mô hình Nguyễn Hoàng – Hàm Tân đã làm để tôn vinh thầy Lê Văn Quýt năm nào. Một ý tưởng đậm đạo lý, tình nghĩa. Nhưng bản thân tôi không mặn mà lắm. Người già còn đâu đủ sức chịu những căng thẳng, những áp lực khi phải ngồi hay đứng nhiều giờ để nhận những lời chúc tụng và phát biểu những đáp từ.

Thầy Lê Văn Quýt đã ra đi chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận lễ mừng thọ; trong cộng đồng, đã có biết bao trường hợp tương tự. Với bệnh tim, chốc chốc đưa ống thuốc lên miệng hít một hơi dài, với bệnh u-xơ tiền liệt tuyến, chốc chốc vào nhà vệ sinh tiểu tiện; trong nhà, phu nhân đang nằm liệt, khi tỉnh khi mê, thầy Thị chắc không welcome ý tưởng ấy. Như thế, xét về mặt chủ quan, mừng thọ cho thầy không được do hoàn cảnh, còn xét về mặt khách quan, gây phiền hà cho gia đình Nguyễn Hoàng các nơi, chắc chắn thầy không muốn. Cảm ơn lòng tốt của anh Thái Tăng Phương!


Chỉ mong anh chị em Nguyễn Hoàng nào có dịp ghé qua Đông Hà, nếu cảm tình, tìm đến thăm tạo cơ hội cho thầy chuyện trò mà khuây khỏa và để hàng xóm láng giềng thêm kính trọng thầy - thấy thầy được nhiều người quan tâm. Và Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng mời thầy vào lần này cũng đã là một cách tôn vinh rồi nè!

Tình cờ tôi nhận thêm một tin buồn. Cách đây mấy năm, tôi có viết một bài tưởng niệm thầy Nguyễn Như Lộc - giáo sư Pháp văn trường Nguyễn Hoàng vào giữa thập kỷ 1960 - đã tử nạn năm 1979 lúc vượt trại cải tạo. Trong bài, tôi có nhắc tên cô Phan thị Điền, phu nhân thầy. Cô giáo Nguyễn Hoàng ngày xưa, Hoàng thị Lang, đang ngồi ở hàng ghế đối diện, nhận ra tôi. Cô đến bên tôi, bắt chuyện. Cô cho biết cô Phan thị Điền là bạn của cô và đã mất ở nước ngoài. Cảm ơn cô Hoàng thị Lang về thông tin này. Nỗi buồn dậy lên trong lòng tôi; các cháu đang mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các cháu thân thương! nếu tình cờ đọc được bài viết này, các cháu hãy nhận từ chú lời chia buồn chân thành nhất. Trong buổi gặp gỡ hôm nay, có 2 vị trên 80 tuổi. Đó là thầy Nguyễn Tịnh 84 tuổi (tuổi Canh Ngọ, sinh năm 1930) và thầy Nguyễn Hữu Nhơn 82 tuổi (tuổi Nhâm Thân, sinh năm 1932). Quý hóa quá! Dầu tuổi cao sức yếu, hai thầy đã đến để thăm hỏi thầy Nguyễn Văn Thị.

10,30 giờ, thầy Nguyễn Hữu Nhơn mời chúng tôi cùng một một số anh chị em trong gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng đi dùng bữa trưa. Nhà thầy ở gần đây, chúng tôi chỉ cần đi bộ. Thầy Nguyễn Hữu Nhơn dạy trường Nguyễn Hoàng vào những năm đầu lúc trường mới mở. Thầy quê gốc làng Phương Lang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thầy trưởng thành ở Huế. Thuở thiếu thời, nhà thầy và nhà thầy Nguyễn Văn Thị ở gần nhau trên con đường dốc Bến Ngự. Hai cậu bé cùng đá bóng, thả diều, ù mọi, đánh căng ... cùng học trường tiểu học Nam Giao nơi thân phụ thầy Thị là cụ Nguyễn Cát Tường làm hiệu trưởng, sau đó, cùng tiếp tục học trường Quốc Học. Khoảng giữa thập niên 1950, do công việc, hai thầy xa nhau. Gặp lại nhau, hai thầy hạnh phúc lắm!

Nhà thầy Nguyễn Hữu Nhơn hiện ở là một nhà cao tầng trên một đường phố chính của thành phố Đà Nẵng. Mặt tiền nhà là shop thời trang, ở tầng trên, treo biển quảng cáo: hình một cô gái qúy phái với trang phục rất sang trọng, với khuôn mặt rạng rỡ níu kéo khách gần xa. Phu nhân thầy từng có thời làm hiệu trưởng trường nữ tiểu học Quảng Trị, nay cô đã mất, hình như thầy ở phần phía sau nhà một mình, ngày ngày vui thú với sách vở. Thầy tiếp chúng tôi rất ân cần. Thầy ít nói nhưng hoạt động nhiều. Thầy đóng gói trái cây: chùm nhãn bự trái cùng một trái dưa hấu to tròn. Đó là món quà thầy gởi thầy Thị đem về Quảng Trị. Ngồi ở phòng khách nhà thầy ít phút. Chúng tôi được thầy mời đến nhà hàng cách đó vài trăm mét, Tất cả mọi người đi bộ. Thầy thoăn thoắt dẫn đường, nhanh nhẹn lắm nhưng không che nổi dấu ấn tuổi tác trong dáng đi. Nhà hàng này phục vụ ăn uống khác mấy nhà hàng trước; mỗi khẩu phần gồm một đùi gà bọc bột chiên chín, chêm thêm mấy dĩa mì, dưa chuột; thức uống là coca cola. Bữa ăn trưa này cũng là bữa ăn chia tay giữa gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng và 4 anh em kết nghĩa chúng tôi.

11,30 giờ, một chiếc taxi đưa chúng tôi ra ga. Bồi hồi cảm động. Nhiều anh chị em Nguyễn Hoàng - Đà Nẵng ra tận ga tiễn.

Hôm trước, đi vào, chúng tôi được gia đình anh Trịnh Đình Song - học sinh cũ Nguyễn Hoàng, định cư ở Đông Hà nhưng thường vô ra Đà Nẵng vì cũng có nhà ở đây – đãi một chuyến xe. Cháu Trịnh Đình Quân – con anh Song, vừa chủ xe vừa tài xế - đón chúng tôi tại nhà từng người: bác Thị lúc 6 giờ kém 15’, Hoàng Đằng lúc 6 giờ ở Đông Hà, Đỗ Tư Nhơn và Nguyễn Hữu Nuôi lúc 7 giờ tại thị xã Quảng Trị. Tình cảm thay! Cháu Trịnh Đình Quân đang ở chế độ trường chay, vậy mà bữa ăn sáng mặn chúng tôi dùng ở thị xã Quảng Trị cháu cũng đãi luôn. Cháu Quân cầm tay lái cẩn thận, cứ vài giờ dừng xe cho các bô lão “xả bầu tâm sự”. Xe đang chạy; các con bác Thị từ Đông Hà thỉnh thoảng gọi cho Nguyễn Văn Nuôi để nắm bắt tình hình sức khỏe của bác, anh Thái Tăng Phương từ Đà Nẵng gọi cho Đỗ Tư Nhơn để nắm bắt những điểm đã đến của xe trên đường.

Hơn 11 giờ xe mới đến Đà Nẵng. Điểm ghé đầu tiên là nhà anh Hoàng Trạch Thạnh, tiếp đến là nhà anh Thái Hoàng Nam, nơi thờ thầy Thái Mộng Hùng và nhà hàng ăn trưa. Cháu Trịnh Đình Quân từ giã chúng tôi về với gia đình nhỏ của cháu đang ở Đà Nẵng, Cháu dặn: nếu chiều nay và ngày mai, mấy bác cần, cứ gọi, cháu sẵn sàng và hân hạnh được phục vụ. Cảm ơn gia đình Trịnh Đình Song và đặc biệt cháu Quân. Không tình cảm mặn nồng, không phục vụ ân cần đến thế.

Anh Hoàng Trạch Thạnh giao 4 vé tàu – loại cao cấp nhất – cho chúng tôi. Nhóm gia đình Nguyễn Hoàng – Đà Nẵng và chúng tôi đưa tay vẫy chào nhau ... tạm biệt.

Chúng tôi lên tàu, vào khoang. Tàu rời ga ... xụt xịt ... xụt xịt ... Người nằm kẻ ngồi. Bác Thị thỉnh thoảng đứng dậy, nhìn cảnh vật qua khung kính. Phần quà thầy Nguyễn Hữu Nhơn tặng đem ra,  ăn bữa chiều cho vừa vui miệng vừa vui bụng.

16,30 giờ, tàu tới Đông Hà. Tội nghiệp! Tàu không dừng ở thị xã Quảng Trị; chú Đỗ Tư Nhơn và chú Nguyễn Văn Nuôi phải tìm phương tiện quay ngược lại 14 km. Tôi gợi ý: Hai ngày rồi, chúng mình không tiêu khoản nào hết, chừ thì “làm oách”, thuê một chiếc taxi đưa bác Thị, Đằng về nhà ở Đông Hà rồi đưa thẳng Nhơn và Nuôi vào Quảng Trị.

Nhờ khoản tiền bạn bè, học trò cũ, con cháu, bà con cấp giúp khi đi mổ mắt chi phí dư ra, tôi “làm le” bắt taxi, trả giá rồi trả tiền, nhưng Nhơn và Nuôi không chịu, đưa ra quy định: người nào xuống cuối cùng sẽ là người chịu tiền. Thôi, mấy chú có lòng thì eng cũng có bụng; xin cảm ơn.

Tôi về đến nhà, đứa chắt nằm trong nôi, thấy bóng, khua tay, đạp chân, miệng bi bô mừng rỡ; hai đứa chắt khác mới biết đi, chớt chát:

- Chố về, chố về!

Còn bác Thị bước vào, bác gái đang co mình, nằm xoay mặt vào trong, nghe tiếng động và ngửi thấy mùi quen, ngoái cổ - do bệnh Alheimer, bác gái đã quên lời tạm biệt của bác trai vào sáng hôm trước lúc đi - thều thào trách yêu:

 - Cả đêm anh đi mô mà em đưa tay sang sờ không thấy chi hết!

Còn chú Đỗ Tư Nhơn và chú Nguyễn Văn Nuôi được người thân chào đón như thế nào? Hãy kể đi. Tôi không đi theo vào Quảng Trị nên không dám bịa ./.

05/5/2013
(26/3/Quý Tỵ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét