Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Lê Giồng, “Thương binh”, “Người tàn tật” mấy mươi năm vẫn chưa được gọi đúng tên.

* Nguyễn Đặng Mừng


Sáng nay Thầy Lê hữu Thăng điện thoại cho tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe NH Lê Giồng. Thầy nói, răng các em không vận động cho Giồng một đợt hổ trợ lúc thập tử nhất sinh này, mai mốt Giồng chết rồi ân hận. Tôi thưa Thầy, cũng đã có ạ. Một số thân hữu cũng đã vận động nội bộ, không rộng rãi. Ngoài phạm vi lớp 10c cũng có thêm một số anh chị hảo tâm như chị Thủy An, Anh Chị Tường Sâm… đã vận động một đợt cho bạn ấy nhưng cũng chỉ khiêm tốn, cũng ngại phổ biến rộng ra vì nhiều vấn đề tế nhị, nhạy cảm khác nhau. Hiện Giồng bị ung thư tiền liệt tuyến, đã di căn qua xương. Mỗi tháng từ Sông Bé lên bệnh viện ung bướu hóa trị hơn một tuần. 

Tôi về thăm Giồng ở làng Xuân An năm 1978. Ngôi nhà tranh bên sông Thạch Hãn, Giồng đang chống nạng đứng nắn nót từng chữ lên 'bảng đen', là miếng ván ép được đóng lên vách ván,  những chữ a,b, c thật đẹp. Khoảng chục đứa trẻ đang ê a đọc theo Thầy. Thấy tôi, Giồng lặng đi một chặp, nhìn tôi rồi nhìn xuống cái chân cụt của mình. Giồng nói lớn, hôm nay thầy có khách, cho các em về sớm. Đám trẻ reo hò chạy về nhà hết. Còn lại hai đứa. Không khí lạnh ngắt của mùa đông làng quê áo não làm sao. Tôi ôm bạn mà khóc, hai đứa cứ hưng hức một ngôn ngữ thầm thì, kỳ lạ, nuốt nỗi đau uất nghẹn vào lòng. Giồng kể:

  Giồng bị thương tháng 3 năm 1975 ở Quảng Trị, được đưa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương Huế, cưa mất một chân ngang đầu gối. Đang điều trị lại phải di dời vào bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng.  Rồi bệnh viện cũng bị… giải tán, tất cả thương bệnh binh đều phải về quê “tiếp tục điều trị” với…gia đình. Giồng được em gái đưa về quê, gần sáu tháng vết thương mới lành hẵn. Ơn trời, không bị nhiểm trùng.

  Giồng cụt chân không ra đồng được, đành mở lớp dạy con cháu trong làng. Gia đình học trò cũng nghèo như “thầy”, nên ai cho chi lấy nấy, khi thúng lúa, thúng khoai, khi mớ cá, mớ rau. Đang dạy mà có người cần qua sông thì Giồng chèo kiếm vài hào mua gạo phụ giúp gia đình.

 Mấy mươi năm sau bạn bè cùng lớp lại gặp nhau ở SG. Giồng kể hiện là giáo viên,  đang dạy ở Sông Bé. Đã lập gia đình, có 5 con, 4 trai, một gái đã lấy chồng. Tụi mình mừng cho bạn đã vượt qua được số phận, còn đem “cái chữ” dù ít ỏi, nhưng Đẹp, đến với con em nông thôn. “Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Tui đùa, Bài hát chi, Giồng hè, hay là “Mỗi năm đến hè lòng mang mác buồn…”. Như Lê Giồng ngày xưa, vai u thịt bắp, rất nông dân, và hát nhạc Thanh Sơn.

Xin trích đoạn về lớp tui, trong “Ngày thơ xa xôi” “Thầy C dạy tiếng Anh, còn trẻ mà mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Thầy đang ưu thời mẫn thế. Lớp tôi gần một sân bay trực thăng dã chiến. Mỗi lần máy bay hạ cánh là hai mươi phút thầy trò  ngồi yên nghe tiếng động ầm ào, có lúc bụi khói còn bay cả vào lớp học. Sân bay mấy tuần nay ngày nào cũng thế, có khi cả buổi sáng chẳng học hành gì. Mỗi lần dứt tiếng động là thầy X lại một phen chửi Mỹ, chửi chính quyền miền Nam. Học trò tụi tôi, dù nhỏ đã có chính kiến. Một số thích kiểu phản chiến, là mode thời đó bằng những bản nhạc do một nữ sinh tập như bài Tuổi trẻ VN. Tôi nhớ một đoạn như sau:

Tuổi trẻ Việt Nam là hầm hố chông gai

 Mắt đăm đăm nhìn những xóm thôn lửa vùi

Sáng mai nào nhìn đoàn quân qua đầu núi

Nghe trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

Tôi, THN, TV, QT lại thích nhạc Phạm Duy. Văn nghệ trường tập hợp ca Mẹ Trùng Dương, hát ba bè, xúc động lắm. Chúng tôi yêu nước một phần từ những bản nhạc như thế.

Riêng Lê Giồng lại “chuyên trị” nhạc Thanh Sơn, “Mỗi năm đến hè lòng mang mác buồn…”.

Có lần tui và Nguyễn Văn Dũng, đêm trăng, mùa hè 1971, qua Xuân An, nỗi hứng, nói Lê Giồng chèo đò về xóm Hà, thăm QT.

 Thuyền ra sông, Dũng và tôi khề khà ngâm  thơ Đường: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu. ”, Giồng bảo, cứ tự nhiên, tui là thằng chèo đò, có biết văn chương chi, chỉ biết bolero. Giồng thay vì ngâm thơ,  lại hát, “ Ve kêu gọi hè sang, phượng về khơi niềm nhớ…”. Và mùa hè 72, và Lê Giồng vào trung tâm huấn luyện Quang Trung…. 


 Người ta có thể gọi Giồng là giáo viên, nhưng không gọi là “thương binh” hay thậm chí là “người tàn tật”, để Giống được hưởng một chính sách nào đó dù ít ỏi ở đất nước mình đang sống và đóng góp.  Để hát với con cháu, bằng tiếng “Ve kêu gọi hè sang…”

 Cách đây mấy ngày, vợ chồng tôi đi thăm chị Thủy An, chị bảo, tội thằng Giồng lắm, khi mô chị khỏe, cùng NH đi thăm Giồng, nghe Mừng. Chị An đã cùng chúng tôi đã đi thăm những đứa em bất hạnh, Lê Tự, Lê Đăng Châm, và giờ đây CHỊ nhắc nhở chúng tôi, rằng phải đi thăm Giồng trước khi quá muộn.

 Giồng, là “vồng”, vồng khoai quê mình, thiệt thà và nhân bản.

Hy vọng trước khi Giồng đi xa, anh chị em mình sẽ thăm Lê Giồng một lần.


                                                  Nguyễn Đặng Mừng, đêm 5/8/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét